Điều chỉnh khuôn khổ hợp tác thương mại hậu Brexit

05:30' - 28/12/2017
BNEWS Bên cạnh các cuộc đàm phán NAFTA và những cân nhắc về lãi suất của Mỹ-Canada, hiện nay việc Anh rời EU (Brexit) cũng là một vấn đề gây đau đầu khiến những lỗ hổng kinh tế ngày càng tồi tệ.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước thành viên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung đang xác định lại mối quan hệ thương mại. Điều này khiến cho nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn.

Trong khi đó, những cuộc đàm phán trì trệ về thỏa thuận thương mại tự do giữa ba nền kinh tế Bắc Mỹ dường như đang mất dần phương hướng.

Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải tạm thời trì hoãn công việc, hoặc chờ đợi những dữ liệu mới trước khi thực hiện thêm bất kỳ động thái nào để điều chỉnh lãi suất cho vay như trong thời gian gần đây. 

Giống như các cuộc đàm phán thường xuyên nhằm cải cách NAFTA, các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cùng nhau tham dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 14 - 15/12 tại Brussels. Cuộc họp này được cho là gây ra nhiều rắc rối hơn là giải quyết hiệu quả các vấn đề.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, số cử tri bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU chỉ chiếm 51,9%, trong khi số lượng người phản đối chiếm 48,1%.

Tỷ lệ bỏ phiếu quá sát tới mức quyết định này đáng lẽ không nên được chấp nhận. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán mới đây, EU quyết định để Anh rời khỏi khối chính trị và kinh tế bao gồm 28 quốc gia vào ngày 29/3/2019.

Ông Peter Bone - thành viên đảng Bảo thủ Nghị viện Anh và là một người ủng hộ Brexit, cho hay: "Người Anh đã quyết định. Chúng tôi sẽ rời khỏi EU và câu hỏi duy nhất là EU sẽ thỏa thuận với Anh như thế nào".

Ông Bone cho rằng nếu EU và Anh không thể đưa ra một thỏa thuận hiệu quả, Chính phủ Anh sẽ phải đưa ra quyết định một cách miễn cưỡng mà không cần thỏa thuận. Tuy nhiên, sau cùng, một thỏa thuận đã được đưa ra, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cả năm rưỡi. 

Mới đây, EU và Anh đã đi đến một thỏa thuận lâu dài để giữ cánh cửa biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland rộng mở, mặc dù Cộng hòa Ireland là một quốc gia độc lập và là thành viên của liên minh thương mại châu Âu.

Nói cách khác, sẽ "không có ranh giới cứng" giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Ngoài ra, hai bên cũng có một thỏa thuận trong đó quy định rõ Vương quốc Anh sẽ phải trả 53 tỷ USD cho việc rời đi. Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ sự hoan nghênh triển vọng tiến tới giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán Brexit về thương mại và an ninh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho hay: "Chúng tôi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian dành cho những thỏa thuận dễ dàng nhưng bây giờ, quá trình đàm phán về sự sắp xếp chuyển tiếp và khuôn khổ cho mối quan hệ tương lai, trên thực tế, diễn ra trong chưa đầy một năm".

Ông Tusk cũng cho biết: "Tất cả chúng ta đều biết rằng việc chia tách là rất khó nhưng việc xây dựng một mối quan hệ mới còn khó hơn rất nhiều". 

Ian Russell, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Đầu tư Canada (IIAC) cho biết vấn đề Brexit có ảnh hướng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, các định chế tài chính và các doanh nghiệp Canada đang hoạt động trên thị trường châu Âu cũng như trên toàn thế giới.

Trong một văn bản bày tỏ ý kiến của IIAC, ông Russell cho hay: "Ai cũng có thể nhận thấy quá trình Brexit đã bị xử lý sai ngay từ đầu. Anh đã thất bại trong việc xác định các mục tiêu chính và chiến lược đàm phán của quốc gia".

Chính phủ hiện đã hoàn thành gần một nửa chặng đường đàm phán, kích hoạt Điều 50 vào tháng Ba, vậy mà các cuộc đàm phán về thương mại vẫn chưa bắt đầu. Rõ ràng quyết định giải quyết tài chính phải là một điều kiện tiên quyết để bắt đầu các cuộc đàm phán cả ở giai đoạn chuyển đổi và đàm phán thương mại sau cùng.

Theo ông Russell, những gì còn thiếu trong toàn bộ quá trình đàm phán Brexit là "một cấu trúc bao trùm" cho sự hợp tác về quản lý dòng chảy vốn qua biên giới. Ông Russell cũng cho rằng Ủy ban ổn định tài chính (FSB) "có thể là cơ quan tốt nhất chịu trách nhiệm về sắp xếp khuôn khổ hợp tác khu vực hoặc toàn cầu để điều phối các quy tắc và cơ chế điều chỉnh".

FSB, đứng đầu là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney, sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các nhà điều hành chứng khoán cá nhân và chính phủ. Có lẽ FSB nên bắt đầu với các cơ quan có thẩm quyền lớn hơn như EU và Anh để xác định nhiệm vụ và cơ cấu phối hợp điều tiết.

Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại BMO Capital Markets, cho hay mặc dù có một số điểm tương đồng giữa Brexit và NAFTA, sự khác biệt ở đây là Brexit là nhân tố thực sự thúc đẩy sự chấm dứt quan hệ Anh-EU, trong khi đối với NAFTA, các nước thành viên đều không mong muốn điều này.

"Một điểm khác biệt nữa đó là Brexit liên quan đến khía cạnh chính trị và luật pháp, trong khi NAFTA tập trung nhiều hơn vào thương mại, giao thương và đầu tư. Vấn đề Brexit sâu xa hơn và bao quát hơn nhiều"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục