Điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều nhân năm 2023

17:55' - 26/07/2023
BNEWS VINACAS điều chỉnh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 giảm 50 triệu USD so với kế hoạch trước đó và thấp hơn 750 triệu USD so với chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra.
Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, điều tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, duy trì tăng trưởng dương và thuộc nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Đây là nội dung được Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) thông tin tại Hội nghị thông tin thị trường điều, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 26/7.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS Bạch Khánh Nhựt, những tháng cuối năm 2023 cho đến quý I/ 2024, tăng trưởng của ngành điều tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong trường hợp kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm. Ở kịch bản lạc quan, ngành điều tăng trưởng nhờ tiêu thụ nhân điều, khi việc kích cầu tiêu thụ hiệu quả, lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, châu Âu giảm xuống sẽ đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm.

 
Dù vậy, VINACAS vẫn điều chỉnh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 đạt 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó và thấp hơn 750 triệu USD so với chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra cho ngành điều từ đầu năm. 

Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công cho biết, căn cứ tình hình hiện nay và dự báo cho thời gian tới, VINACAS kiến nghị Nhà nước tiếp tục xem xét, hỗ trợ ban hành cơ chế, chính sách nhập khẩu nhân điều phù hợp để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp chế biến trong nước theo; đề nghị các bộ, ngành và các địa phương tạo điều thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt là về lĩnh vực cho vay tín dụng của ngân hàng, các chính sách thuế và hải quan.

Về chính sách đẩy mạnh xuất khẩu và xúc tiến thương mại, cần tập trung vào việc tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam. Để tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do, việc tăng cường quảng bá sản phẩm điều Việt Nam để người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm là điều rất quan trọng. Quảng bá có thể được thực hiện thông qua các kênh truyền thông, các hội chợ triển lãm và các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia.

Hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ chế biến sâu, VINACAS kiến nghị Bộ Công Thương có các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế… Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tìm khách hàng, đầu tư chế biến sâu, điều hữu cơ, dầu vỏ hạt điều và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Theo Chủ tịch VINACAS, Việt Nam là nước sản xuất điều lớn trên thế giới, sau Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, tuy nhiên, sản lượng điều của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Để tăng cường sản xuất điều, cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng đất đai, giống cây trồng và kỹ thuật canh tác.

Về phía VINACAS đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều; hỗ trợ cho nông dân trồng điều Việt Nam. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần  tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra.

Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023, ngành điều đã xuất khẩu được trên 279.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về giá trị. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/ tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về vùng nguyên liệu, theo số liệu thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng diện tích trồng điều của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 320.000 ha, giảm 2.300 ha so với năm 2022. Sản lượng dự kiến đạt 345.000 tấn điều. Năng suất bình quân đạt 1,15 tấn/ha, tăng 30 kg/ ha so với năm trước.

Như vậy, mặc dù diện tích trồng và diện tích cho sản phẩm đang có dấu hiệu bị thu hẹp nhưng với năng suất điều bình quân tăng, tổng sản lượng điều thu hoạch dự kiến cả năm 2023 dự kiến tăng nhẹ so với năm 2022.

Về nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã nhập khẩu được khoảng 1, 44 triệu tấn điều thô, trị giá khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 19,79% về lượng và tăng 5,16 % về trị giá. Giá nhập khẩu điều thô bình quân giảm 11,34%, chỉ còn 1.251 USD/tấn.

Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS Bạch Khánh Nhựt phân tích, 6 tháng đầu năm, sản xuất, kinh doanh xuất khẩu điều đối mặt nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan như khủng hoảng địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, lạm phát toàn cầu, sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp, người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm chi tiêu… Tại Bình Phước, thủ phủ của ngành điều, nửa đầu năm 2023, có 30% nhà máy chế biến điều nhỏ và vừa phải đóng cửa vì không có đơn hàng.

Nguồn nguyên liệu điều thô 6 tháng đầu năm khá dồi dào khi cả Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia và Tây Phi đã cơ bản kết thúc mùa vụ tương đối thuận lợi, chất lượng nguyên liệu cũng được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn đoanh nghiệp chế biến đã có đủ nguyên liệu cần thiết cho sản xuất đến quý I/2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến điều gặp nhiều thách thức trong việc mua bán hàng, do giá vỏ điều giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với cuối năm trước, cùng với giá nhân điều ở mức thấp trong nhiều năm qua, chi phí chế biến còn rất cao.

Về điều nhân, do sức mua yếu ở các thị trường trọng điểm, các nhà chế biến điều gặp khó khăn trong bán hàng. Khách hàng chủ yếu mua hàng giao ngay với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, do giá điều đang khá cạnh tranh với các loại hạt khác và sản lượng dồi dào, các nhà bán lẻ trên phạm vi toàn cầu đang đẩy mạnh nhiều chương trình quảng bá, khuyến mãi để kích cầu mua sắm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục