Điều gì đang cản trở Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới?

06:30' - 21/05/2021
BNEWS Trong những năm gần đây, nhận định về việc Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc nổi trội của thế kỷ XXI nhờ dân số đông và nền kinh tế có nhiều động lực tăng trưởng đang không ngừng phát triển.

Tuy nhiên, theo tờ Telegraph của Anh, có ít nhất 4 lý do để chứng minh rằng nhận định này là chưa hoàn toàn chính xác.

Trước tiên là vấn đề nhân khẩu học. Việc Trung Quốc công bố số liệu điều tra dân số mới nhất đã khiến nhiều nhà phân tích bối rối.

Số lượng sinh giảm có nghĩa là số lượng lao động ngày càng ít và sẽ phải chu cấp chăm sóc cho số lượng người nghỉ hưu đang tăng lên nhanh chóng. Quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc đã bắt đầu giảm. 

Nhóm tuổi từ 15-59 đã thấp hơn 6,79% so với năm hồi 2010. Tuy nhiên, sự suy giảm của tỷ lệ sinh sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể đảo ngược. Các chính sách trước đây đồng nghĩa với việc có ít phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ hơn, trong khi số phụ nữ muốn có con ngày càng ít.

Mất cân bằng giới tính là một yếu tố đáng lo ngại khác đối với Bắc Kinh. Năm 2010, tỷ lệ giới tính là 118 bé trai trên 100 bé gái; 10 năm sau, con số này giảm xuống còn 111 bé trai trên 100 bé gái. Kết quả là Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mà đỉnh điểm sẽ có khoảng 30-40 triệu nam giới, độ tuổi từ 20 đến 45, không tìm được người phụ nữ đồng hành. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tội phạm, bạo lực và đôi khi là chiến tranh.

Song song với đó, việc chống lại hoặc trấn áp tình trạng bất ổn sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế và công cuộc hiện đại hóa; đây đều là những yếu tố làm nền tảng để Trung Quốc trở thành một siêu cường. 

Hơn nữa, nếu Trung Quốc phải chuyển ngày càng nhiều nguồn lực từ thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư cho đổi mới sang chăm sóc dân số già và chi tiêu quân sự hoặc quốc tế, thì điều này tác động bất lợi tới chính sách "trẻ hóa nhân dân Trung Quốc".

Trong khi đó, các chính sách khuyến khích sinh con đã không có tác dụng ở các xã hội tự do như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc). Ngay cả việc bù đắp các tác động của nhân khẩu học cũng đang chứng tỏ là khó khăn. Lấy Vương quốc Anh làm ví dụ, nước này đã cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu song Trung Quốc đã chần chừ việc này trong nhiều năm do sự phản đối của nhiều người.

Lý do thứ hai là nợ nần. Gánh nặng nợ nần của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục tăng lên. Điều này đã diễn ra trong một thời gian dài và một cuộc khủng hoảng có thể "né" được trong một vài năm, song cuối cùng thì người dân, các công ty hay nhà nước cũng sẽ phải gánh chịu những thiệt hại. Dù bằng cách nào, điều này cũng không có lợi cho sự trỗi dậy bền vững về kinh tế, vốn là điều cần thiết để củng cố địa vị siêu cường.

Trong khi đó, tình trạng hạn hán ít được đề cập đến, song những tác động về kinh tế và xã hội của hạn hán có thể rất tàn khốc. 12 tỉnh phía Bắc, với khoảng một nửa ngành công nghiệp, sản xuất điện, nông nghiệp và dân số của Trung Quốc, đang phải chịu cảnh khan hiếm nước cấp tính hoặc khan hiếm nước. 

Việc chuyển nước từ phía Nam, nơi chiếm 80% lượng nước, thông qua Dự án vận chuyển nước Nam Bắc, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ cung cấp một biện pháp giảm nhẹ ngắn hạn. 28.000 con sông đã biến mất trong khoảng thời gian 20 năm cho thấy mô hình hiện tại đang không bền vững đến thế nào.

Cuối cùng, các vấn đề về giáo dục của Trung Quốc là không thể khắc phục kịp thời. Chỉ 30% lực lượng lao động của Trung Quốc đã tốt nghiệp trung học cơ sở. Không có quốc gia nào thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" thành công với một lực lượng lao động mà chưa đến 60% có trình độ từ trung học trở lên. Những nỗ lực để khắc phục điều này sẽ mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, 70% trẻ em là ở nông thôn (do ở thành thị sinh ít con hơn) và một tỷ lệ lớn bị suy dinh dưỡng. Không có chương trình đào tạo nghề nào có thể cung cấp được một lực lượng lao động có trình độ công nghệ và khả năng đổi mới cao nếu chương trình đó phải dựa vào những người chưa biết cách học.

Việc giải quyết 4 thách thức này chắc chắn sẽ khó khăn hơn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, nếu không có một nền tảng kinh tế vững chắc, rất có thể Trung Quốc sẽ không thể thay thế Mỹ trở thành siêu cường của thế giới. Thậm chí nước này sẽ không thể trở thành nền kinh tế lớn nhất trong thời gian dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục