Điều gì được các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội chờ đợi?

15:32' - 17/03/2021
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, tương lai của đất nước sẽ phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn còn có tâm lý "bụt chùa nhà không thiêng", đang quá chú trọng vào việc chào đón và thu hút doanh nghiệp nước ngoài (FDI) mà "bỏ quên" doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Lê Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho biết, Trí Cường cũng như các doanh nghiệp khác đang hoạt động trong cụm công nghiệp Ô tô 1/5 Đông Anh chủ yếu tham gia sản xuất cho các công ty trong chuỗi cung ứng.

Mặc dù, sản xuất của các doanh nghiệp đã khởi sắc, nhưng dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến hoạt động sản xuất thiếu tính ổn định. Trong khi đó, chi phí logistics, nguyên vật liệu… đều tăng.

Doanh nghiệp phải cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động chứ chưa tính đến bài toán hiệu quả.
Mặc dù vậy, vấn đề mà doanh nghiệp lo ngại nhiều hơn không phải là từ dịch COVID-19 mà là mặt bằng sản xuất.

Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lo lắng, không yên tâm trong việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Thủy chia sẻ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chủ yếu chào đón các "đại bàng" (tức doanh nghiệp FDI) mà không mấy chú trọng đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Thanh Thủy nói, tại các khu công nghiệp, yêu cầu đối với các doanh nghiệp là mặt bằng đầu tư tối thiểu 10 nghìn m2, trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần từ 3 đến 5 nghìn m2 và khả năng đầu tư của doanh nghiệp cũng chỉ cần như vậy.

Chi phí để đầu tư vào các khu công nghiệp hiện tại vẫn cao, hơn 2 triệu đồng/m2, do các doanh nghiệp đầu tư 1 lần nên vốn đầu tư ban đầu là rất lớn.

Do đó, doanh nghiệp cần sự ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước để có được mặt bằng ổn định sản xuất.
Đồng quan điểm này, ông Dương Minh Cường - Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường cho biết, tình hình dịch COVID-19 quay trở lại tại Hải Dương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến công ty gặp nhiều khó khăn về lao động khi quay trở lại sản xuất vào ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán.

Mặt khác, 80% khách hàng là các doanh nghiệp FDI, dịch bệnh khiến các chủ đầu tư cẩn trọng và cân nhắc trong vấn đề đầu tư ở thời điểm này.

Điều này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn nhà nước hỗ trợ giảm chi phí trong việc thuê mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp còn kiến nghị Hà Nội cần tạo điều kiện phê duyệt quy hoạch 1/500 của khu đất cụm công nghiệp Ô tô 1/5 tại xã Nguyên Khê để doanh nghiệp ổn định và yên tâm sản xuất.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc có mặt bằng để mở rộng sản xuất, hoặc có sự ổn định để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Không chỉ có các doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm công nghiệp Ô tô 1/5 Đông Anh mà cả các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm cũng đang lo lắng, theo quy hoạch cụm công nghiệp này chỉ tồn tại đến năm 2030.

Trong khi hơn 80 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây có những đóng góp rất lớn cho ngân sách, kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động của quận, cũng như các quận, huyện lân cận.

Vì vậy, các doanh nghiệp đều băn khoăn chúng ta sẽ phải thực hiện những quy hoạch đó như thế nào?. Quan điểm của chúng tôi là phải xem xét quy hoạch này một cách hợp lý, phù hợp", ông Đàm Tiến Thắng nói.
Tính đến đầu tháng 3, Hà Nội có khoảng 303.705 doanh nghiệp, trong đó có 6.062 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước).
Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, Hà Nội đang có chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Những vấn đề này, Hà Nội sẽ nghiên cứu để tiếp tục duy trì hoạt động của những cụm công nghiệp nào hoạt động hiệu quả để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư các cụm công nghiệp, khu công nghiệp để có cơ sở về đất đai, có những điều kiện để nếu doanh nghiệp buộc phải di chuyển sẽ được yên tâm sản xuất.

Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, cũng như của thành phố, của các tỉnh vào đầu tư theo những mục tiêu phát triển kinh tế công nghiệp của Hà Nội.
Ông Đàm Tiến Thắng cũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ cũng như UBND thành phố Hà Nội là sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp lớn lẫn doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, bao gồm cả hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phát triển tốt ở Hà Nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục