Điều gì xảy ra tiếp theo với "bom nợ" Evergrande?

18:41' - 29/01/2024
BNEWS Một điều chắc chắn là việc thanh lý tài sản của Evergrande sẽ là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang vật lộn phục hồi sau giai đoạn đại dịch COVID-19.

Giới quan sát đang thận trọng theo dõi những diễn biến tiếp theo sau khi một tòa án ở Hong Kong (Trung Quốc) hôm 29/1 ra lệnh thanh lý tài sản đối với Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới của Trung Quốc.

 

Động thái này có thể gây ra làn sóng chấn động lên thị trường vốn và bất động sản đang mong manh của Trung Quốc. Quá trình thanh lý một tập đoàn lớn như vậy có thể rất phức tạp và gây tác động không chỉ tới riêng lĩnh vực bất động sản mà cả nền kinh tế tổng thể.

Điều gì sẽ xảy ra sau lệnh thanh lý tài sản?

Sau khi lệnh thanh lý tài sản được ban hành, giới hữu trách sẽ chỉ định một bên phụ trách thanh lý tạm thời trước khi có bên chịu trách nhiệm thanh lý chính thức để nắm quyền kiểm soát và chuẩn bị bán tài sản của Evergrande để trả nợ.

Các bên phụ trách thanh lý có thể đề xuất kế hoạch tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ nước ngoài đang nắm giữ khoản nợ 23 tỷ USD ở Evergrande, nếu họ xác định công ty có đủ tài sản hoặc nếu xuất hiện một nhà đầu tư “hiệp sĩ trắng” (chỉ một cá nhân hoặc tập đoàn mua lại một công ty với mức giá hợp lý, trước khi nó bị một bên không thân thiện tiếp quản). Họ cũng sẽ điều tra các vấn đề của công ty và có thể chuyển bất kỳ dấu hiệu sai trái nào của các quản lý tới các công tố viên ở Hong Kong.

Evergrande có thể kháng cáo lệnh thanh lý tài sản, nhưng quá trình thanh lý vẫn được tiếp tục trong khi chờ kháng cáo.

Cổ phiếu của Evergrande và các công ty con niêm yết đều bị đình chỉ giao dịch sau lệnh thanh lý tài sản. Quy tắc niêm yết yêu cầu tập đoàn phải chứng minh cơ cấu kinh doanh có đủ khả năng hoạt động và giá trị tài sản hợp lý.

Các chủ nợ có thể thu hồi bao nhiêu tiền?

Evergrande trích dẫn một phân tích của hãng kiểm toán Deloitte trong phiên điều trần tại tòa án Hong Kong vào tháng 7/2023, trong đó ước tính tỷ lệ thu hồi nợ là 3,4% nếu phải thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, sau khi Evergrande hồi tháng 9/2023 cho biết đơn vị chủ chốt và Chủ tịch Hui Ka Yan bị điều tra, các chủ nợ hiện xác định tỷ lệ thu hồi nợ chỉ dưới 3%.

Trái phiếu phát hành bằng đồng USD của Evergrande được chào giá ở mức khoảng 1 xu trên mỗi USD vào thứ Sáu (26/1).

Hầu hết tài sản của Evergrande đã bị các chủ nợ bán hoặc tịch thu, khiến chỉ còn hai đơn vị của họ được niêm yết tại Hong Kong là công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services Group và công ty chuyên về xe năng lượng sạch Evergrande New Energy Vehicle. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của hai công ty trên đã giảm xuống còn 973 triệu USD vào ngày 26/1.

Bên thanh lý có thể bán cổ phần của Evergrande ở hai đơn vị này, mặc dù có thể khó tìm được người mua.

Sau khi thanh lý, bên nắm quyền thanh lý có thể nắm quyền kiểm soát các công ty con của Evergrande trên khắp Trung Quốc bằng cách thay thế từng đại diện pháp lý của họ. Quá trình này có thể mất vài tháng, thậm chí nhiều năm.

Các chuyên gia về thanh lý cho biết bên phụ trách thanh lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi đại diện vì Quảng Châu, nơi Evergrande đặt trụ sở, không phải là một trong ba thành phố của Trung Quốc công nhận các lệnh thanh lý với Hong Kong.

Ngay cả khi bên thanh lý sở hữu các dự án trong nước, nhiều căn hộ trong số này đã bị các chủ nợ tiếp quản, bị tòa án phong tỏa, không còn giá trị gì hoặc thậm chí còn âm vốn do giá bất động sản giảm.

Bên cạnh đó, phần lớn trong số 300 tỷ USD mà Evergrande nợ là tiền đặt cọc mua căn hộ xây mới của người dân Trung Quốc. Hiện chưa rõ liệu họ có được ưu tiên hơn các chủ nợ nước ngoài trong quá trình thanh lý Evergander hay không.

Tác động ra sao tới lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế?

Mặc dù việc giải thể nhà phát triển với khối tài sản trị giá 240 tỷ USD sẽ gây ra làn sóng chấn động trên thị trường vốn của Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá đây sẽ không phải mô hình chung cho cách thức thanh lý đối với các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn khác.

Với quy mô khổng lồ của các dự án và khoản nợ của Evergrande, quá trình này sẽ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Trong bối cảnh hiện tại, việc hoàn thành các dự án xây dựng nhà đang diễn ra sẽ là ưu tiên hàng đầu của tập đoàn, ngành bất động sản và Chính phủ Trung Quốc. Song công ty tư vấn Oxford Economics hồi tháng 12/2023 ước tính sẽ mất từ 4 năm đến 6 năm để hoàn thành toàn bộ các khu nhà ở đang xây dựng dang dở.

Một điều chắc chắn là việc thanh lý tài sản của Evergrande sẽ là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang vật lộn phục hồi sau giai đoạn đại dịch COVID-19.

Trong nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy bởi dân số đông và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Lĩnh vực bất động sản đóng góp 30% GDP và 2/3 tài sản của các hộ gia đình gắn với bất động sản. Lĩnh vực bất động sản được coi là động lực tăng trưởng chính trong hai thập kỷ qua của Trung Quốc, thậm chí từng giúp nước này đạt được mức tăng trưởng kinh tế hai con số hàng năm.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5,3% trong năm ngoái, một phần do xuất khẩu và nhu cầu trong nước yếu đi, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ.

Trong những năm gần đây, một số nhà phát triển bất động sản khác đã buộc phải nộp đơn xin phá sản, trong khi chi tiêu của các công ty xây dựng đã giảm 10% mỗi năm trong hai năm vừa qua. Năm 2023, doanh số bán nhà mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm hơn 30%, xuống còn 451,3 tỷ NDT (64 tỷ USD). Đầu tư vào bất động sản đã giảm 9,6% trong cùng năm, ghi dấu năm giảm thứ 2 liên tiếp.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024. Một cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ có thể làm suy yếu thêm nhu cầu và làm rung chuyển hệ thống tài chính của nước này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục