Điều giản dị tạo nên đặc sản xứ Nẫu

08:14' - 29/01/2017
BNEWS Không quá sầm uất, nhộn nhịp như Nha Trang (Khánh Hòa) hay kiêu sa, lộng lẫy như Đà Nẵng, Bình Định đang nổi lên như một điểm đến với nét đẹp cảnh sắc hoang sơ, hương vị ẩm thực đậm đà.
Nét quyến rũ của biển Trung Lương - Bình Định. Ảnh: vilinktravel.blogspot.com

Nằm trên mảnh đất miền Trung nắng gió, Bình Định vẫn đang từng ngày oằn mình đối chọi với mưa nắng thiên tai, bão lũ.

Có lẽ vì vậy mà con người nơi đây vốn rắn rỏi, mạnh mẽ đến lạ thường. Không chỉ dừng lại ở những tấm gương anh hùng hào kiệt Quang Trung- Nguyễn Huệ, những người phụ nữ nơi đây tưởng chừng như mềm yếu cũng đã được đi vào thi ca:

“Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định đánh roi đi quyền”

Ví von là vậy, nhưng đến với Bình Định ngoài vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, chắc chắn ai cũng phải ngỡ ngàng trước những món ăn mang đậm dấu ấn nơi đây được chế biến dưới những bàn tay thôn nữ khéo léo. Những chất liệu, con người đất võ trời văn ấy giờ đây cũng đang vươn lên phát triển ngành công nghiệp không khói, bắt nhịp với những bước tiến du lịch Miền Trung.

Từng đặt chân đến gần như tất cả các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, đi hơn quá nửa tỉnh thành trong cả nước, nhưng rồi cuối cùng tôi chợt nhận ra nơi mà mình nhớ nhất vẫn chính là vùng đất Bình Định, quê tôi.

Vùng đất mà mỗi hè theo mẹ về quê, tôi đã từng gắn bó một khoảng thời gian dài của tuổi ấu thơ, với từng bãi biển dài, từng quả đồi hay bãi cỏ đều trở nên thân thuộc và là những kỷ niệm đẹp.

Nơi đây nhịp sống, con người đã trở nên sôi động và cuộc sống phồn vinh hơn. Đặc biệt, nhu cầu du lịch tại Bình Định cũng đã dần cải thiện.

Nhờ vào cảnh sắc hoang sơ, yên tĩnh mà trù phú của một mảnh đất ven biển, đã giúp Bình Định từ một vùng đất nghèo và vắng lặng trở nên tấp nập và đến gần hơn với những người yêu du lịch, thích khám phá vẻ đẹp tự nhiên của biển xanh, nắng vàng, gió mát tại nơi đất Nẫu xinh đẹp này.

Đến với Bình Định hôm nay, tôi có thể tự hào khoe với mọi người quê tôi có những danh lam thắng cảnh được cải tạo khang trang hơn, to đẹp hơn.

Đặc biệt, điều giản dị nhưng lại làm mê hồn du khách khi đến với Bình Định là những buổi chiều khi hoàng hôn buông, dạo bước qua các con đường ở thành phố Quy Nhơn, nghe tiếng đổ bánh xèo xèo, tiếng mời gọi cùng hương thơm của món ăn khiến khó lòng bước đi. 

Bánh xèo "tôm nhảy" Quy Nhơn nức tiếng gần xa. Ảnh: ABC Travel

Trong khi các vùng đất khác chế biến bánh xèo khá cầu kỳ với tôm, mực, thịt, trứng... thì bánh xèo Quy Nhơn chỉ có tôm đất làm nhân. Linh hồn của món bánh xèo Quy Nhơn cũng là từ yếu tố này.

Tôm đất để làm bánh xèo được người Quy Nhơn kén chọn lắm, phải là tôm của dòng sông Gò Bồi ngọt lịm, tươi roi rói, được đánh bắt mỗi buổi sáng tinh mơ. Loại tôm này nhỏ, nhưng chắc thịt, khi chín sẽ đỏ au, ăn vào ngọt lịm vị của nước sông, của đất bồi...

Bột gạo để làm bánh xèo cũng nhất định phải được xay bằng cái cối đá cũ kỹ truyền đời trong gia đình, xay đến đâu đúc bánh đến đó thì bánh mới thơm mùi gạo mới, giòn rụm, mịn màng, quyện với chút hương bột nghệ và nước cốt dừa. Chút hành lá thái nhuyễn vừa làm đẹp thêm màu bánh, vừa thêm chút thơm thơm cho từng cái bánh ngon lại càng ngon.

Nước chấm bánh xèo Quy Nhơn có phần đậm đặc hơn và được làm nước mắm cốt phải thật ngon, rồi pha với tỏi ớt giã thật nhuyễn thật mịn, thêm nước cốt chanh và đường để dậy mùi. Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn thì không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt hơi nhân nhẩn, nhưng rất mát và bổ, cùng với chút xoài chua xắt nhuyễn, mới nhìn qua đã thấy không cưỡng được.

Bên cạnh món bánh xèo tôm nhảy của người dân phố thị, nằm cách Quy Nhơn khoảng hơn 60 km về phía Bắc, phố huyện Phù Mỹ cũng nổi tiếng với món bún rạm tuy dân dã mà đậm đà, giàu hương vị.

Bún rạm Phù Mỹ là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm. Ảnh: Sài Gòn Ẩm Thực

Theo chị Thái Thị Thu Thảo, thôn Phú Ninh, Phù Mỹ, để có tô bún rạm Phù Mỹ thơm ngon hảo hạng, công đoạn làm bún cũng khá công phu. Điều tạo sự khác biệt nơi đây là hầu hết dân Phù Mỹ đều tự làm bún.

Trước tiên, họ chọn loại gạo ngon từ những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi ngâm nước, xay nhuyễn, lọc qua túi vải, luộc sơ và để sẵn. Khi có khách, người bán chế biến bún tươi trong nồi nước sôi ngay tại chỗ, nên tô bún múc ra còn nóng hôi hổi, có cả bún và nước luộc bún mới ngon.

Hòa trong cái vị ngon nguyên chất của bún tươi, con rạm nấu bún nhất thiết phải là loại rạm tươi, thân tròn, càng to, thịt chắc, gạch nhiều được bắt từ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng của huyện.

Rạm bắt về ngâm nhiều nước cho sạch bùn đất rồi tách mai lấy gạch, xay nhỏ, lọc lấy nước, nấu trên lửa liu riu. Khi chín, nước rạm sánh lại sền sệt, nổi những váng mỡ màu vàng đặc cả nồi nước.

Bún rạm Phù Mỹ là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm. Trên bề mặt tô bún còn bốc hơi nghi ngút có những váng rạm vàng ươm, thơm nức mũi. Khi ăn bún rạm, ta có thể cho thêm ít chanh, ớt, vài hạt lạc và rau sống. Mỗi tô bún còn được kèm theo một cái bánh tráng gạo nướng dày cộm, lúc ăn ta bẻ bánh nhỏ, cho vào tô trộn đều với gia vị.

Và cứ thế bưng tô lên, vừa húp vừa ăn nóng hôi hổi đến vã mồ hôi, ăn một tô rồi tiếp một tô nữa mới cảm nhận hết được độ thơm ngon của hương vị rạm miền quê.

Ngoài ra, nếu khách lạ đi trên con đường Quốc lộ 1A, ngang qua đất Bình Đình, chắc sẽ rất ngạc nhiên bởi những chiếc “cán chổi” nhỏ xíu được treo lủng lẳng ở các tiệm ven đường. Những chiếc cán chổi ấy chính là “Tré” – một món ăn đặc sản của nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bình Định.

Trong những ngày lễ Tết, tré là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân đất Võ. Ảnh: Đặc sản đất Võ Bình Định

Chia sẻ về cách làm món ăn này, anh Vũ Văn Lục Lang, dân gốc Bình Định cho hay: Thịt lợn được trần qua nước sôi rồi ngâm trong nước lạnh để thịt giòn và không bị dính, dùng dao thái nhanh tay, sau đó nêm nếm gia vị muối, tiêu cho vừa miệng ăn. Trộn thịt với riềng, tỏi đã thái mỏng, thính gạo đã được giã nhỏ với nhau cho đều.

Đây là món thường được dùng như món khai vị trong các bữa tiệc. Khi ăn tré Bình Định, vị giác và thính giác của bạn sẽ được đánh thức bởi vị mặn, ngọt, béo, chua, cay, chát và mùi hương đồng gió nội của rơm. Trong những ngày lễ Tết, đây là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân đất Võ, trên bàn thờ gia tiên và có trong bữa nhậu hàng ngày của dân bản địa.

Thế nhưng, do chưa được chú trọng đầu tư, khuyếch trương như Nha Trang, Đà Nẵng... nên du khách vẫn khó để tìm được nhiều thông tin về du lịch Bình Định và những bài hướng dẫn chi tiết để khám phá vùng đất xứ Nẫu. Nếu có, tôi tin rằng tất cả cũng chỉ qua những người con Bình Định đang xa xứ như tôi./.

>>> Mứt gừng Mỹ Chánh đón xuân

>>> Ngày Tết ăn gì để may mắn cả năm?

>>> Chả cá Phước Hải: Đặc sản vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục