Điều kiện cần và đủ để phát triển dự án điện gió

08:02' - 04/07/2019
BNEWS Hợp đồng mua bán điện đối với điện gió của Việt Nam vẫn chưa được chuẩn hóa nên tạo ra nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư.

Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long nằm ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận) có tổng công suất  3.400 MW với số vốn lên tới 11,9 tỷ USD.

Trong tương lai, với dự án này Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tiên tiến, bổ sung đáng kể cho nguồn điện và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Nhưng để có thể đi vào hoạt động một cách hiệu quả nhất, nhiều chuyên gia cho hay, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm xung quanh dự án này.

* Thỏa mãn kỹ thuật

Các tua bin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà với tên gọi chính thức là Thanglong Wind do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng thực hiện, đứng đầu là Tập đoàn Enterpize Energy (EE).

Theo thông tin từ Tập đoàn Enterpize Energy, Dự án Thanglong Wind được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 50 km, tốc độ gió bình quân 9,5 m/s; những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó sẽ được tăng lên từ 10 - 12 MW.

Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterpize Energy khẳng định: “Tập đoàn Enterprize Energy và các đối tác, quyết tâm thực hiện dự án tiên phong này”. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) ông Trần Viết Ngãi cũng đánh giá, đây là một dự án lớn và có cơ hội tạo một bước đột phá cho nền kinh tế Việt Nam, nên cần được triển khai sớm.

Song ông Ngãi cho rằng, trước tiên dự án này cần thỏa mãn một số yêu cầu về mặt kỹ thuật. Thứ nhất, đặc điểm của điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, các chỉ số kỹ thuật như: tần số, điện áp, dòng điện đều dao động theo tốc độ gió.

Vậy, để nối vào được hệ thống điện quốc gia phải đảm bảo các yêu cầu ổn định tần số, ổn định điện áp, ổn định phụ tải, nhằm kết nối hệ thống điện Quốc gia vận hành trong trạng thái an toàn và ổn định.

Thứ hai, theo kinh nghiệm các nước phát triển trên thế giới, để đảm bảo các yếu tố trên, dự án điện gió Kê Gà cần phải có hệ thống lưu điện ESS với chất lượng, tính năng hoạt động cao, phải đồng bộ trong việc kết nối làm ổn định các yếu tố nêu trên.

“Hiện giữa Hiệp hội và Tập đoàn Enterpize Energy vẫn chưa chốt được phương án đề xuất cho vấn đề nhà máy lưu điện này”, ông Ngãi nói.

Bên cạnh đó, ông Ngãi nhấn mạnh, một vấn đề lớn cần quan tâm ngay từ bây giờ là Chính phủ và Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép các đơn vị chuyên ngành lập quy hoạch về phát triển điện lực bổ sung vào Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh). Theo đó, cần xem các dự án đường dây và trạm là dự án quan trọng được ưu tiên.

Nhà đầu tư và phía Viện Năng lượng cũng cần nắm bắt, tính toán hệ thống lựa chọn địa điểm để xác định cần xây dựng số lượng đường dây và trạm ở các cấp điện áp 500kV, 220kV, 110kV; đồng bộ với truyền tải nguồn công suất của dự án điện Kê Gà.

Từ đó, tính toán tổng mức đầu tư, mua sắm vật tư, thiết bị cho việc xây dựng đường dây và trạm, kể cả đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn… 

“Tất cả phần kinh phí đầu tư ấy sau khi tính toán, xác định, nếu dự án được bổ sung vào Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) thì phần vốn cho đường dây và trạm này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm nhận. Nếu không thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm và sẽ mất thêm nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ dự án”, ông Ngãi nói.

Theo ông Benoit Nguyen, Trưởng bộ phận Cố vấn năng lượng tái tạo, Công ty năng lượng DNV GL, vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư làm sao thúc đẩy để đưa dự án vào hoạt động trước thời hạn 1/11/2021 theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam để hưởng giá tốt nhất.

Các dự án cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như các hợp đồng, quản lý dự án, đấu nối, lên lưới, nhân công, bảo hiểm, thuế... Tất cả những vấn đề này đều có thể làm chậm trễ tiến độ dự án.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ian Hatton cho hay: “Hiện chúng tôi cũng đã thảo luận với đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn Xây dựng điện 3 về đấu nối hệ thống để xem hệ thống có thể chịu tải bao nhiêu MW và cần cải thiện như thế nào. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở để đảm bảo kết nối dài hạn, như các trạm, đường chờ sẵn cho kết nối dưới lòng biển, để đảm bảo an toàn khi kết nối hệ thống, các giai đoạn tiếp theo khi kết nối vẫn có thể đảm bảo an toàn của hệ thống điện”.

* Giá ưu đãi

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg mới được Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành, đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 Uscents/kWh). Đây là mức giá khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Giá mua điện trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Trạm biến áp 22/110 kv Nhà máy điện gió Phú Lạc Nguyễn Thanh - TTXVN

Với giá ưu đãi là vậy, trong kế hoạch xây dựng dự án của mình, Tập đoàn Energy Enterprize cho biết, sau khi được cấp phép khảo sát, mục tiêu của nhà đầu tư sẽ là đồng thời tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi của dự án để đảm bảo giai đoạn I của dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW.

Như vậy, về thời gian, dự án sẽ không thể đi vào hoạt động để kịp hưởng mức giá ưu đãi trên. Đây có thể sẽ là một thiệt thòi không nhỏ cho nhà đầu tư.

Ông Ian Hatton cho hay, về mốc thời hạn tháng 11/2021, khi làm dự án, Tập đoàn Enterpize Energy đã có tính đến giá điện ưu đãi này, không chỉ trong giai đoạn ban đầu mà trong suốt vòng đời dự án.

Vừa qua, Tập đoàn Enterpize Energy cũng đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương và đề xuất; trong đó, liên quan đến sửa đổi giá điện cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án này một cách thuận lợi, để huy động được nguồn tài chính quốc tế.

“Chúng tôi đã có đề xuất, giá sẽ theo hướng bậc thang xuống, ban đầu giá này có thể cao, nhưng sau trong quá trình thực hiện dự án có thể hạ giá. Điều này sẽ giúp chúng tôi huy động tài chính một cách dễ dàng hơn”, ông Hatton nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi cũng cho hay, về giá điện, hiệp hội cũng đã đề xuất; Chính phủ cũng có ý kiến sẽ nghiên cứu và điều chỉnh. Để ít nhất nhà đầu tư thu hồi vốn ở mức nào đó. Sau đó, mức giá này có thể cân nhắc, tính toán hạ dần xuống, tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư. Khi đó mới thu hút được các nhà đầu tư.

Theo ông Ngãi, đây là chính sách đặc biệt mà Chính phủ cần phải quan tâm. Bởi xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi rất phức tạp, công nghệ cao, kỹ thuật khó, thời gian dài và lao động cũng phải có trình độ.

Ngoài ra để đảm bảo tiến độ của dự án này, riêng với hợp đồng mua bán điện, hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN lập mẫu hợp đồng mua bán điện chuẩn, đưa các điều khoản, điều kiện để nhà đầu tư thấy tính thuận lợi ở chỗ nào, cả về kỹ thuật, kinh tế, cơ chế, chính sách, giá ưu đãi...

Theo bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu, hiện hợp đồng mua bán điện đối với điện gió của Việt Nam vẫn chưa được chuẩn hóa nên tạo ra nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư.

Vì vậy, thời gian tới, các hợp đồng mua bán điện phải được chuẩn hóa; quy trình phê duyệt dự án cần đơn giản, rõ ràng hơn để có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục