Điều tra hệ số chi phí trung gian: Thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp

15:04' - 15/11/2021
BNEWS Tổng cục Thống kê chọn năm 2019 thay cho năm 2020 để thu thập thông tin tính hệ số chi phí trung gian và lập bảng IO. Các phiếu điều tra sẽ thực hiện thu thập thông tin của năm 2019 hoặc năm 2020.

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đầu năm 2020 đến nay đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc kinh tế Việt Nam. Cú sốc kinh tế do đại dịch từ đầu năm 2020 đã bóp méo cấu trúc kinh tế của Việt Nam nên không thể lựa chọn năm 2020 làm đại diện cho cấu trúc kinh tế của Việt Nam ở trạng thái bình thường. Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế cũng như quyết định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê thì cuộc điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành (Bảng IO) lần thứ 6 buộc phải thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp với bối cảnh mới.

Để hiểu rõ hơn về cuộc Điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Ngành thống kê đang tập trung lực lượng triển khai cuộc Điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành. Ông có thể giải thích rõ hơn về cuộc điều tra này?

Vụ trưởng Lê Trung Hiếu: Điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành (gọi tắt là điều tra IO) là một trong những cuộc điều tra quan trọng của ngành thống kê có chu kỳ 5 năm (vào các năm tận cùng là 3 và 8), được quy định trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 9/7/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1176/QĐ-TCTK về việc điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian.

Chi phí trung gian IC (Intermediate Comsumption) là một bộ phận cấu thành của giá trị sản xuất, bao gồm toàn bộ sản phẩm vật chất và dịch vụ được sử dụng làm đầu vào của một quy trình sản xuất (không bao gồm khấu hao tài sản cố định) trong một thời gian nhất định. Các sản phẩm vật chất và dịch vụ này phải được chuyển dịch một phần hoặc sử dụng hết trong quá trình sản xuất. Chi phí trung gian (đầu vào) của một quy trình sản xuất này có thể sử dụng đầu ra (giá trị sản xuất) của quy trình sản xuất khác (hoặc có thể là hàng nhập khẩu) và được lặp lại liên tục như vậy trong toàn bộ nền kinh tế.

Bảng IO (Input – Output table) là mô hình phản ánh bức tranh về toàn bộ hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Nó phản ánh mối quan hệ liên ngành/liên vùng trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của toàn bộ nền kinh tế.

Bảng IO còn cho biết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng của một ngành/vùng thì cần bao nhiêu sản phẩm của ngành/vùng khác và ngược lại, ngành/vùng đó cung cấp bao nhiêu sản phẩm để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm của ngành/vùng khác. Từ đó cho phép phân tích các mối quan hệ, đánh giá hiệu quả sản xuất, tính toán các chỉ tiêu tổng hợp khác phục vụ quản lý kinh tế vĩ mô, phân tích và dự báo kinh tế.

Phóng viên:Thưa ông, vì sao Tổng cục Thống kê lại tiến hành cuộc Điều tra hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành tại Việt Nam vào thời điểm này?

Vụ trưởng Lê Trung Hiếu: Đến nay, Tổng cục Thống kê đã thực hiện 5 cuộc điều tra IO cho các năm 1989, 1996, 2000, 2007, 2012 và cuộc điều tra IO năm 2021 là cuộc điều tra lần thứ 6 của lĩnh vực này.

Theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia, cuộc điều tra IO lần thứ 6 được thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, do năm 2020, Tổng cục Thống kê tiến hành chuyển đổi năm gốc so sánh và theo khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc thì năm thực hiện điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng IO cần trùng với năm gốc so sánh. Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cuộc điều tra IO lần 6 từ năm 2018 sang năm 2021 để biên soạn bảng IO cho năm 2020.

Phóng viên: Theo dự kiến, năm 2021 sẽ thu thập thông tin của năm 2020 để biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng IO cho năm 2020, vì sao Tổng cục Thống kê lại phải chọn thu thập thông tin của năm 2019?

Vụ trưởng Lê Trung Hiếu: Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đầu năm 2020 đến nay đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc kinh tế Việt Nam. Cú sốc kinh tế do đại dịch từ đầu năm 2020 đã bóp méo cấu trúc kinh tế của Việt Nam nên không thể lựa chọn năm 2020 làm đại diện cho cấu trúc kinh tế của nước ta ở trạng thái bình thường.

Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế cũng như quyết định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê thì cuộc điều tra IO lần thứ 6 buộc phải thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chọn năm 2019 thay cho năm 2020 để thu thập thông tin tính hệ số chi phí trung gian và lập bảng IO. Vì vậy, các phiếu điều tra trong cuộc điều tra này thực hiện thu thập thông tin của năm 2019 hoặc năm 2020.

Phóng viên: Số liệu điều tra hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành tại Việt Nam đã phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách kinh tế như thế nào, thưa ông?

Vụ trưởng Lê Trung Hiếu: Điều tra IO 2021 đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi năm gốc so sánh, điều tra IO năm 2021 sẽ cập nhật toàn bộ hệ số chi phí trung gian cho 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và cả nước phục vụ biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và Tổng sản phẩm trên địa bản các tỉnh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).

Bảng điều tra IO là công cụ mô tả đầy đủ cấu trúc kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 (đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam có khá nhiều biến động so với những giai đoạn trước đó), phục vụ cho việc phân tích sự thay đổi cấu trúc kinh tế, cấu trúc tiêu dùng, các ảnh hưởng xuôi, ngược, lan tỏa… trong nền kinh tế, tác động của các loại chính sách đến các hoạt động kinh tế…

Kể từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có rất nhiều biến động (đặc biệt ở nhiều ngành kinh tế; nhiều tỉnh, thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu kinh tế), hệ số chi phí trung gian năm 2012 (dù đã được cập nhật một số ngành) đã không còn phù hợp cho cả nước và các tỉnh, thành phố trong giai đoạn mới do các nguyên nhân:

Một là, nhiều ngành đã thay đổi công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất nên hệ số chi phí trung gian năm 2012 không còn phù hợp (ngành công nghiệp chế biến chế tạo như may mặc, gia dày, điện tử thực hiện gia công). Hai là, những ngành, sản phẩm mới xuất hiện trước đây chưa có hệ số chi phí trung gian (điện mặt trời, điện gió…). Ba là, việc thay đổi phân ngành kinh tế (VSIC2007), phân ngành sản phẩm (VCPA 2007) sang phân ngành kinh tế (VSIC2018), phân ngành sản phẩm (VCPA 2018) làm cho cấu trúc chi phí (ngành cấp 1, 2 và 3) thay đổi và không có hệ số chi phí trung gian riêng cho 1 số ngành chi tiết.

Bốn là, những thay đổi của Hệ thống Tài khoản quốc gia năm 2008 (SNA 2008) cần được cập nhật (tính tài sản cố định bao gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển; các phần mềm máy tính; các sản phẩm sở hữu trí tuệ; tài sản là hệ thống vũ khí quân sự...).

Phóng viên:Ông có thể cho biết, cuộc điều tra này những thông tin nào và đối tượng điều tra cụ thể là những đối tượng nào mà Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra?

Vụ trưởng Lê Trung Hiếu: Trong cuộc điều tra này, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra những đơn vị là doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp do có sổ sách, hệ thống kế toán đầy đủ sẽ thu thập thông tin hoạt động của năm 2019; đơn vị điều tra là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; hộ dân cư và tổ chức vô vị lợi phục vụ hộ gia đình sẽ thu thập thông tin về tình hình sản xuất năm 2020; đồng thời, có thông tin so sánh để đưa về năm 2019 (do các đơn vị này không có đầy đủ sổ sách kế toán, khả năng hồi tưởng thời gian dài sẽ không đảm bảo thông tin thu thập).

Trong cuộc điều tra này, thông tin điều tra bao gồm: thông tin định danh, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí sản xuất kinh doanh của các tổ chức; thông tin tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư; thông tin về giá trị thuế xuất, nhập khẩu; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa; giá trị thu thuế, phí và lệ phí và chi ngân sách nhà nước; dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay và số dư huy động vốn; giá trị sản xuất của các sản phẩm theo 178 ngành sản phẩm IO được chọn.

Điều tra IO năm 2021 là điều tra chọn mẫu. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn được thực hiện trong 40 ngày, bắt đầu từ ngày 01/11/2021 và kết thúc vào ngày 10/12/2021. Điều tra IO năm 2021 áp dụng kết hợp phương pháp thu thập thông tin gián tiếp và trực tiếp…

Kết quả thu thập thông tin của từng phiếu điều tra sẽ được tổng hợp theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các hệ số và ma trận.

Kết quả thu thập thông tin về giá trị sản xuất theo ngành kinh tế và thành phần kinh tế theo giá hiện hành trên phạm vi cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ các Vụ Thống kê chuyên ngành thuộc Tổng cục Thống kê sẽ được tổng hợp để phục vụ lập Bảng IO năm 2019 của Việt Nam.

Phóng viên: Xin cám ơn ông! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục