Định hướng đổi mới và phát triển doanh nghiệp bền vững

15:20' - 18/06/2019
BNEWS Sáng 18/6 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Sự kiện thu hút đông đảo gần 300 đại biểu từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế tham dự đối thoại và thảo luận về các vấn đề kinh tế, định hướng phát triển cho tương lai và đề xuất các giải pháp giúp phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp. 

Sáng 18/6 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Tại diễn đàn, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, phát triển doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định ấy chắc chắn sẽ góp phần đáng kể và tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ông Hùng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì còn nhiều tiềm năng ở khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được khai thác hết.

Hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn ở quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. Do đó, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số là 2 vấn đề cần được ưu tiên để giúp doanh nghiệp tự chủ và vươn lên trong hội nhập.
Khái quát về tình hình đăng ký doanh nghiệp, bà Lê Thị Xuân Huế, đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua 5 tháng đầu năm 2019, cả nước hiện có gần 74.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; trong đó, gần 54.000 doanh nghiệp thành lập mới và gần 20.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động.

Tuy nhiên lại có hơn 44.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó, hơn 19.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, hơn 19.000 doanh nghiệp chờ giải thể và hơn 6.000 doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục giải thể.
Tính về quy mô vốn thì gần 89% số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2019 có số vốn dưới 10 tỷ đồng và chưa đến 3% số doanh nghiệp thành lập mới có số vốn từ 50 đến hơn 100 tỷ đồng, bà Huế cho biết thêm.
Theo bà Huế, nguyên nhân gia tăng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu là do năng lực nội tại còn yếu, do sức ép cạnh tranh dẫn tới sự thanh lọc và đào thải của thị trường, do môi trường đầu tư kinh doanh còn tồn tại những hạn chế cho dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và do rà soát nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động.

Trước thực trạng phát triển như hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, bà Huế quan ngại, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp từ nay tới năm 2020 là không khả thi.
Chi tiết hơn về con đường phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam cho rằng, chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Có nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đó là khả năng tiếp cận vốn, thủ tục tài chính thuế, đầu tư nước ngoài còn nhiều rào cản và khu vực ngân hàng còn rất chặt chẽ, khó khăn trong việc cấp tín dụng...
Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia và đại diện các bộ, ngành đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý.
Song song với đó, cải cách doanh nghiệp Nhà nước cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên quan tới vấn đề phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số, ông Hồ Sỹ Hùng cho hay, tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa của doanh nghiệp đến từ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft… trong xã hội hiện nay rất lớn.

Sự kiện thu hút đông đảo gần 300 đại biểu từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế tham dự đối thoại và thảo luận. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà.
Ngoài ra, theo ông Hùng, khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập internet.

Sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, giải quyết các vấn đề tiến công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế… cũng là một rào cản lớn.
Trước tình hình này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, rất có thể xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn.
Trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi đã có phương pháp chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các doanh nghiệp với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục