Định lượng "được" và "mất" của kinh tế Australia sau thảm họa cháy rừng lịch sử (Phần 2)

05:30' - 15/01/2020
BNEWS Cháy rừng gây ra sự tàn phá khủng khiếp đối với hệ sinh thái và môi trường, khiến những nơi đó vĩnh viễn khó có khả năng hồi phục trạng thái như trước kia và mất vị thế kinh doanh du lịch vốn có.
Cây rừng bị thiêu rụi trong đám cháy tại Port Macquarie, New South Wales, Australia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà kinh tế trưởng của Công ty Đầu tư AMP Shane Oliver dự báo sản lượng kinh tế quốc gia của Australia sẽ giảm từ 0,25-1% do hậu quả từ các vụ cháy rừng, đặc biệt là trong quý I/2020.

Lấy ví dụ khu vực South Coast, nơi bị tàn phá nặng nề nhất trong đợt cháy rừng tại bang New South Wales những ngày vừa qua, là nơi cư ngụ của khoảng 1% dân số Australia và 1% dân số khác sinh sống tại các vùng hỏa hoạn càn quét như Gippsland và phía Bắc của bang New South Wales, ông Oliver giả định hoạt động kinh tế tại các khu vực này chiếm dưới 10% cả nước, thì sự tổn hại ước tính chỉ chiếm 0,2%, một con số không phải là quá lớn tính trên toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhà kinh tế này cho rằng thiệt hại lớn hơn mà Australia phải hứng chịu đó là sự giảm giá trị của hình ảnh "một quốc gia an toàn dành cho khách du lịch", khiến sản lượng của ngành công nghiệp không khói giảm khoảng 0,1% và chi tiêu của người tiêu dùng giảm khoảng 0,2%.

Ông Oliver nói cháy rừng sẽ gây thêm áp lực lên RBA, khiến cơ quan này cân nhắc biện pháp giảm lãi suất và Canberra sẽ phải tăng cường kích thích kinh tế để tránh giảm phát. Theo ông Oliver, người dân Australia đang cảm thấy "bấp bênh" trong mọi vấn đề.

Mức lương thấp, môi trường sống bị ảnh hưởng, giá cả đắt đỏ… sẽ khiến các hộ gia đình cảm thấy mất an toàn, dẫn tới xu hướng "thắt chặt hầu bao" và giảm tối đa chi tiêu không cần thiết.

Đồng quan điểm với kinh tế trưởng Oliver, nhà kinh tế học Saul Eslake tin rằng kinh tế Australia sẽ vẫn trụ vững qua vụ việc cháy rừng thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia và "hỏa hoạn" là chưa đủ gây nguy hiểm cho thặng dư ngân sách của Australia trong năm tài chính 2020. 

Ông Eslake cho rằng tổng số thiệt hại ước tính do cháy rừng vẫn tương đối nhỏ so với tổng dân số, nhà ở và dòng thu nhập của người dân Australia. Hạn hán, cháy rừng đã ảnh hưởng tới một vài nhóm cộng đồng, nhưng xét trên diện rộng, nó tác động rất nhỏ đến GDP của cả nước.

Nhà kinh tế học này cho rằng những khoản tiền đền bù từ công ty bảo hiểm và các gói hỗ trợ của chính phủ sẽ hoạt động như một "sự kích thích nhỏ", thúc đẩy khôi phục các hạng mục hạ tầng và nhà ở cho khu vực bị ảnh hưởng trong tương lai gần.

Nếu hiểu theo một cách tích cực, theo ông Eslake, các hoạt động xây dựng mới sẽ góp phần tạo ra việc làm, thúc đẩy khôi phục kinh tế và đóng góp vào GDP.

Nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn PWC Jeremy Thorpe cũng đồng tình với quan điểm các hoạt động xây dựng lại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và việc làm cho Australia trong ngắn hạn.

Ông nói, đây rõ ràng là một kết quả trái ngược. Chúng ta chi tiêu ngân sách để khôi phục hạ tầng và nhà cửa, nhưng các khoản chi tiêu đó sẽ mang một ý nghĩa tích cực riêng, đóng góp trở lại vào tăng trưởng GDP quốc gia.

Chuyên gia phân tích ngành công nghiệp cấp cao của IBISWorld Tom Youl dự đoán ngành bảo hiểm, nông nghiệp và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cháy rừng và hạn hán.

Tuy nhiên, việc làm và tăng trưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại ghi nhận một sự mở rộng mới, khi hàng nghìn người gặp vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, do tác động từ khói bụi ô nhiễm và hỏa hoạn. 

Ông nói vấn đề về sức khỏe sẽ kéo dài trong nhiều năm, với mức chi phí gia tăng từ năm này sang năm khác, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng từ môi trường và sức khỏe của mỗi cá nhân. Do đó, rất khó để định lượng chính xác sự "được" và "mất" của nền kinh tế Australia trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục