Định vị lại thị trường nông sản Việt Nam

12:40' - 24/05/2017
BNEWS Cần định vị thị trường nông sản Việt Nam để phát triển bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.
Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn đã phối hợp với Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo: Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2017.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cập nhật những dự báo mới nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 2017 và 2-3 năm tới; đồng thời thảo luận các giải pháp mang tính khả thi để phát triển 3 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, thuỷ sản và rau quả.

Theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt. Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh.

Dù thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực tái cơ cấu ngành, khơi thông thị trường, cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn khá “mỏng manh” với những câu chuyện giải cứu nông sản thời gian qua.

Từ thực tế này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách để đưa ra những thông tin chuẩn xác để khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trong khi thị trường biến động, cần phân tích thấu đáo. Bởi đôi khi giá nông sản sẽ tiềm ẩn bùng lên trong tương lai. Và khi thị trường bùng lên, cần nghĩ tới cách làm mới chứ không nên chạy theo kiểu cũ. Về dài hạn, cần định vị thị trường nông sản Việt Nam để phát triển bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.

Theo TS. Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với công nghệ cao, thay vì chỉ có nhà nước và người nông dân như trước đây. Do vậy, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ doanh nghiệp – nông dân hơn nữa.

“Cần tư duy lại cách phát triển nông nghiệp – nông thôn Việt Nam, không chỉ với lúa gạo mà với tất cả các sản phẩm khác: không chạy theo sản lượng và chỉ dựa vào "cặp" nhà nước – nông dân nữa. Phải nhìn nhận vấn đề thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp như thế nào, giải quyết vấn đề sở hữu đất đai, tích tụ, tập trung ruộng đất ra sao...”, ông Thiên nói.

Dự báo của Ipsard cho thấy, năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức chưa giảm hơn so với năm 2016.

Đối với ngành hàng lúa gạo, xuất khẩu của Việt Nam hiện bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia vào xuất khẩu gạo như Campuchia và Myanmar. Đồng thời các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu.

Về xu hướng giá, giá thực tế của lúa gạo có xu hướng giảm trong trung hạn.

Để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, Ipsard cho rằng, cần xác định lại cơ cấu thị trường; các vùng chuyên canh; cơ cấu giống; cơ cấu mùa vụ; nghiên cứ phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm từ lúa gạo.

Đối với ngành thuỷ sản, chính sách bảo hộ toàn cầu và biến đổi khí hậu... sẽ đặt ra thách thức cho ngành này trong cả ngắn và dài hạn. Ngành thuỷ sản cần tập trung hoá giá trị gia tăng trong hoạt động chế biến – kinh doanh và thương hiệu từ các nhà làm chính sách, doanh nghiệp đến nông dân, cộng đồng nghiên cứu...

Đối với ngành rau quả, Ipsard cũng cho rằng, ngành này mặc dù nổi lên thời gian qua nhờ mở rộng xuất khẩu song vẫn phân tán, chưa tổ chức hiệu quả và còn “non nớt” trên thị trường quốc tế. Lợi thế đáng kể của Việt Nam hiện nay là nhu cầu lớn, sự đa dạng của thị trường nội địa, nên cần sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao...

Theo TS. Sergio René Araujo – Ensciso (FAO), tiêu dùng nông sản toàn cầu tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn. Đồng thời, giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn...

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy đi lên như tăng năng suất, chất lượng và xác định cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục