Djibouti trên "bàn cờ" chính trị chiến lược của Ấn Độ

06:30' - 16/10/2017
BNEWS Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Djibouti và Ethiopia đã thể hiện vị trí của khu vực Sừng châu Phi trên "bàn cờ" chính trị chiến lược của Ấn Độ.
Tân Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tại một sự kiện ở New Delhi ngày 20/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Báo The Indian Express đăng bài bình luận của Tiến sĩ Raja Mohan - Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie Ấn Độ - về chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Ram Nath Kovind tới Djibouti và chiến lược của Ấn Độ đối với khu vực Sừng châu Phi.
Bốn quốc gia khác nhau ở khu vực tạo thành Sừng châu Phi gồm Somalia, Ethiopia, Eritrea và Djibouti - cùng với Yemen xuyên qua Biển Đỏ - đã được mô tả là một trong những khu vực then chốt của thế giới. Với chuyến thăm chính thức của Tổng thống Kovind, New Delhi dường như đã sẵn sàng để gia tăng ảnh hưởng ở vùng Sừng châu Phi.
Mặc dù dân số ít hơn 1 triệu người và đất đai phần lớn là cằn cỗi, Djibouti có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở ngã ba Biển Đỏ với Ấn Độ Dương và các tuyến kết nối châu Phi, Trung Đông và châu Á, và các vùng xung đột đa chiều ở khu vực. Điều này đã khiến cho Sừng châu Phi trở thành một khu vực có ảnh hưởng địa chính trị rộng lớn.
Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh đã thông qua một chiến lược mạnh mẽ để biến vị trí chiến lược của Djibouti thành tài sản kinh tế. Cách tiếp cận “tất cả được hoan nghênh” của ông đã thu hút rất nhiều cường quốc đến để thành lập căn cứ quân sự ở Djibouti.

Ông Guelleh cũng hy vọng biến Djibouti thành một trung tâm hậu cần thương mại như Dubai, Singapore và đang tìm kiếm những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Ấn Độ không có Đại sứ quán ở Djibouti. Chuyến thăm của Tổng thống Kovind cho thấy New Delhi đã sẵn sàng để chấm dứt thời kỳ bỏ bê Djibouti trong thời gian dài và bắt đầu tái tham gia vào khu vực một cách chiến lược. Thực sự đây là sự “tái tham gia” của Ấn Độ vì New Delhi vốn đã có truyền thống lâu đời về sự tham gia quan trọng ở khu vực Sừng châu Phi.
Sau khi độc lập, Ấn Độ đã loại bỏ tư duy địa chính trị cũ khi áp dụng định hướng kinh tế hướng nội và thay thế vai trò an ninh khu vực được thừa hưởng bởi chính sách không liên kết và cô lập quân sự. Kết quả là ảnh hưởng của Ấn Độ trên thực tế đã giảm dần.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi trong những năm 1990 khi New Delhi chuyển sang toàn cầu hóa kinh tế. Thương mại đang phát triển của New Delhi đã làm tăng cường sự tập trung của Ấn Độ vào châu Phi như một đối tác kinh tế lớn. Sự phụ thuộc mới vào các tuyến đường biển phục vụ tăng trưởng kinh tế đã chứng tỏ sự trẻ hóa của Ấn Độ.
Ý tưởng về việc New Delhi phải chịu trách nhiệm lớn hơn về sự ổn định khu vực đã giúp khôi phục đề nghị rằng Ấn Độ là “nhà cung cấp an ninh" ở khu vực Ấn Độ Dương. Tại hội nghị thượng đỉnh châu Phi ở New Delhi hồi năm 2015, hầu hết các nhà lãnh đạo tham gia đều muốn mở rộng hợp tác an ninh và quốc phòng với Ấn Độ.

Tàu của Mỹ và Ấn Độ tham gia cuộc tập trận chung tại Ấn Độ Dương. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho dù Ấn Độ không thể đáp ứng các nhu cầu này từ châu Phi, ngoại giao quốc phòng đã trở thành một mệnh lệnh quan trọng đối với Ấn Độ trên khắp Ấn Độ Dương và hy vọng sẽ được định hình trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Kovind tới Djibouti. Cũng giống như ở nhiều khu vực, chiến lược của Trung Quốc ở Sừng châu Phi đã giúp đưa Djibouti trở lại trên "bàn cờ" chính trị chiến lược của Ấn Độ.
Việc Bắc Kinh phát triển cơ sở hạ tầng ở Sừng châu Phi với sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng tạo ra một động lực chưa từng thấy trong những năm gần đây. Một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực là tuyến đường sắt dài 750 km kết nối Ethiopia với Djibouti.
Sự quan tâm địa chính trị của Trung Quốc đối với khu vực Sừng châu Phi được tập trung vào thập kỷ cuối cùng với việc triển khai thường xuyên của lực lượng hải quân nhằm chống lại nạn cướp biển ở Vịnh Aden.

Cùng với nạn cướp biển giảm đáng kể, Trung Quốc đang nâng cao vị thế chiến lược trong khu vực. Theo một thỏa thuận được ký kết hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã đảm bảo quyền sở hữu một căn cứ tại Djibouti với số lượng binh sĩ đồn trú có thể lên tới 10.000 quân cho đến năm 2026.
Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất có căn cứ quân sự trong khu vực. Pháp - nước cai trị Djibouti trong thời kỳ thuộc địa - duy trì số quân lớn nhất ở Djibouti.

Căn cứ quân sự của Pháp hiện nay còn phục vụ cả binh sĩ từ các nước châu Âu khác gồm Tây Ban Nha và Đức. Italy cũng có sự hiện diện quân sự ở Djibouti. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 9/11, Washington đã thiết lập một căn cứ quân sự chính ở Djibouti như là một phần của chiến lược chống khủng bố.
Sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Djibouti không chỉ giới hạn ở các cường quốc phương Tây. Từ phía Đông, năm 2011, Nhật Bản đã thiết lập một cơ sở để hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden.
Nhiều cường quốc ở khu vực đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng chiến lược ở Sừng châu Phi thông qua việc thành lập các căn cứ quân sự và can thiệp vũ trang. Chẳng hạn, Djibouti được cho là sẽ tiếp đón các căn cứ quân sự của Saudi Arabia và Qatar. Eritrea sẽ có các căn cứ quân sự của các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar.
UAE và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có các căn cơ sở tại Somalia. Ấn Độ đã muộn hơn trong việc tham gia tranh giành ảnh hưởng chính trị ở khu vực quan trọng này của Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Kovind được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác toàn diện giữa Ấn Độ với Djibouti và khu vực Sừng châu Phi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục