Thách thức kép của Ấn Độ trong BRICS

06:30' - 20/09/2017
BNEWS Trong hơn hai thập kỷ, xây dựng một thế giới đa cực là một trong những chủ đề trọng tâm của chính sách ngoại giao của Ấn Độ. BRICS đã là diễn đàn chính để New Delhi theo đuổi mục tiêu đó.
Các nhà lãnh đạo của khối BRICS. Ảnh: AFP/TTXVN

Mạng tin “Indianexpress” đăng bài viết của Tiến sĩ C. Raja Mohan thuộc Quỹ Carnegie Ấn Độ đánh giá về sự hợp tác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Theo đó, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc đã buộc Ấn Độ phải xem xét lại các đặc tính của một thế giới đa cực.

Khi Bắc Kinh siết chặt không gian Ấn Độ ở Tiểu lục địa và khu vực Ấn Độ Dương, cũng như trở nên quyết đoán hơn trong các tranh chấp song phương với New Delhi, việc xây dựng một “châu Á đa cực” - hoặc cân bằng với Trung Quốc - đang trở nên quan trọng.

Việc Washington đồng cảm hơn với các mối quan tâm khu vực và toàn cầu của Ấn Độ - từ khủng bố ở Pakistan đến vai trò thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) - đã làm mới các mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc.

Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ phải đối mặt với thách thức kép. Sự sụp đổ của Liên Xô cũ và logic phải thích ứng với một thế giới toàn cầu hóa khiến New Delhi hướng tới Mỹ và phương Tây.

Khi tiếp cận phương Tây sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ cảnh giác sâu sắc về các chính sách can thiệp của phương Tây trong nhiều vấn đề, bao gồm nhân quyền ở Kashmir và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Để chống lại tiêu cực từ thế giới đơn cực, dưới ngọn cờ của Nga, Ấn Độ đã chọn đưa ra một cái gọi là “tam giác chiến lược” của các cường quốc phương Đông bao gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ để ngăn chặn sự nổi lên của Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Điều này đã cho thấy căng thẳng đáng kể trong sự tham gia của Ấn Độ với các cường quốc. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đứng ở Washington và nói về một “liên minh tự nhiên” với sức mạnh siêu cường là Mỹ. Cùng lúc đó, Ấn Độ lại ngồi với Nga và Trung Quốc để kêu gọi một “thế giới đa cực”.

Đây không phải là hành động đạo đức giả mà là sự quản lý đầy mâu thuẫn mà Ấn Độ đã phải đối mặt sau Chiến tranh Lạnh.

Tam giác chiến lược Ấn Độ, Trung Quốc và Nga cuối cùng đã mở rộng thành BRICS với sự tham gia của Brazil và Nam Phi. Nhưng những thay đổi nội khối của BRICS và môi trường bên ngoài làm thay đổi tính năng động của nhóm và đặt ra những thách thức mới cho sự tham gia của Ấn Độ với BRICS.

Một là, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể định hướng của BRICS. Trọng lượng kinh tế to lớn của Trung Quốc trong diễn đàn, với GDP gần 12 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với bốn thành viên khác. Điều này có nghĩa là sự cân bằng nội khối của BRICS đã thay đổi nghiêng về Bắc Kinh.

Hai là, nếu Moskva coi BRICS là cách để tạo đòn bẩy chính trị chống lại Mỹ và phương Tây thì Bắc Kinh coi nó như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. Sự e ngại về toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu là một trong những động cơ đằng sau việc Ấn Độ tìm kiếm một thế giới đa cực trong quá khứ. Ấn Độ hiện đang phải vật lộn để đối phó với sự toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu.

Khi chống lại toàn cầu hóa ở Mỹ và phương Tây, chính Bắc Kinh nay lại tuyên bố là nhà vô địch của các thị trường tự do. Ấn Độ có một thời gian khó khăn ủng hộ tuyên bố này khi phải đối phó với khoản thâm hụt thương mại gần 50 tỷ USD mỗi năm với Trung Quốc.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành phương tiện chính cho kế hoạch cường quốc kinh tế của Bắc Kinh và làm gia tăng mối lo ngại của Ấn Độ về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ ba, trong khi vừa làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Washington và Tokyo, trò chơi của Ấn Độ với BRICS có vẻ khá thông minh chừng nào không có căng thẳng lớn giữa các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng chiến lược “đa liên kết” của Ấn Độ đã trở nên khó khăn hơn khi sự cân bằng quyền lực kéo theo sau những căng thẳng mới giữa các cường quốc.

Trong quá khứ, Ấn Độ đã bị cám dỗ để đặc ân cho BRICS vượt qua quan hệ đối tác với phương Tây. Ngày nay, Ấn Độ dường như nghiêng về đánh giá các vấn đề theo tác động của chúng đối với lợi ích quốc gia hơn là thước đo về sự đúng đắn của ý thức hệ.

Nhiều người ở Ấn Độ xem diễn đàn BRICS như là sự tiếp nối chính sách không liên kết trong quá khứ và chủ nghĩa thế giới thứ ba. Nhưng Ấn Độ chắc chắn ý thức được rằng BRICS không phải là về chính trị Bắc-Nam, cũng không phải là tránh xa hoặc duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc - bao gồm Trung Quốc và Nga là các thành viên của diễn đàn. 

Đối mặt với áp lực không ngừng từ Trung Quốc về một loạt vấn đề, Ấn Độ chắc hẳn phải quan tâm tới sự nồng ấm trong quan hệ chiến lược mới giữa Moskva và Bắc Kinh, và sự sẵn sàng của cả Nga và Trung Quốc cắt giảm các thỏa thuận với Mỹ (theo các điều khoản của riêng họ) khiến cho BRICS ít chú ý tới tư tưởng về ý thức hệ, trong khi tập trung xác định lại Ấn Độ trong sự thay đổi các phương trình giữa các cường quốc. 

Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ đứng cùng Trung Quốc nơi cần thiết và hợp tác với Trung Quốc nơi có thể; cứu vãn bản chất của quan hệ đối tác lâu đời với Nga nhưng thừa nhận Moskva có những đòi hỏi của riêng nước này; tăng cường mối quan hệ chiến lược với Washington nhưng thừa nhận sự chia rẽ nội bộ nhanh chóng của Mỹ.

Sự chuyển đổi này trong thế giới quan của Ấn Độ đối với chủ nghĩa hiện thực được tạo ra trong khoảnh khắc, nhưng đã trở thành đặc trưng xác định cho chính sách đối ngoại của chính phủ hiện nay./.

Xem thêm:

>>Thế bế tắc trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc

>> Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ lớn thứ 5 thế giới 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục