Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương

06:30' - 29/08/2017
BNEWS Căn cứ ở Djibouti được coi là mốc quan trọng trên con đường trở thành một cường quốc quân sự thế giới của Trung Quốc và có thể là bước đầu tiên nhằm tăng đáng kể sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters

Đây là nhận định của hai nhà nghiên cứu David Brewster và Anthiny Bergin thuộc Đại học Quốc gia Australia trong bài viết được đăng trên Diễn đàn châu Á và Thái Bình Dương mới đây.

Với việc mở cơ sở quân sự ở nước ngoài đầu tiên với 10.000 binh lính, Bắc Kinh đã tham gia vào một câu lạc bộ mà những người Cộng sản từ lâu luôn coi là chỉ của đế quốc phương Tây. Đối với Trung Quốc, căn cứ Hải quân và Không quân kết hợp ở Djibouti có nhiều ý nghĩa.

Căn cứ này sẽ hỗ trợ cho lực lượng Hải quân Trung Quốc đã được triển khai ở ngoài khơi Somalia thực hiện các cuộc tuần tra chống cướp biển từ năm 2008 và mở rộng tầm với của Không quân Trung Quốc ra khắp châu Phi.

Theo tuyên bố của Bắc Kinh, căn cứ này sẽ hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển và sẵn sàng giúp hỗ trợ việc di dời công dân Trung Quốc khi xảy ra biến cố trong khu vực. Một vài năm trước, Trung Quốc đã cử lực lượng Hải quân đưa công dân khỏi cuộc xung đột tại tại Yemen và Libya.

Djibouti là trung tâm các hoạt động của Mỹ ở châu Phi. Pháp và Nhật Bản cũng duy trì sự hiện diện quân sự ở quốc gia có vị trí chiến lược này. Với căn cứ quân sự của mình ở đây, Trung Quốc có thể theo dõi các hoạt động của Mỹ trong khu vực.

Trung Quốc đang phát triển 1 căn cứ Hải quân tại cảng Gwadar của Pakistan, gần Eo biển chiến lược Hormuz, như là một chỗ đứng ở Ấn Độ Dương. Nước này có thể hy vọng thiết lập các căn cứ Không quân và Hải quân ở Đông Phi và có thể ở Maldives hoặc Sri Lanka.

Trong những năm gần đây, tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Karachi và Colombo, Ấn Độ cho biết ít nhất 14 tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong những tháng gần đây.

Đây là một phần của chiến lược Hai đại dương mới của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ Dương đã được thêm vào cùng với Thái Bình Dương như là một khu vực mà Trung Quốc muốn dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ những gì mà nước này coi là lợi ích cốt lõi của mình.

Trung Quốc chắc chắn có nhiều lợi ích chiến lược quan trọng và lợi ích kinh tế to lớn trong khu vực Ấn Độ Dương. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc sẽ làm tăng sự hiện diện của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương.

Vai trò của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ như thế nào? Liệu nước này có tham gia với các cường quốc có trách nhiệm khác ở Ấn Độ Dương bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh và Australia nhằm bảo đảm an ninh hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế?

Hay sẽ là sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, trong đó mỗi nước đều cạnh tranh ảnh hưởng và chạy đua xây dựng tiềm lực quân sự? Nhiều quốc gia yếu ở vành đai Ấn Độ Dương có thể trở thành những quân tốt trong các "trò chơi" địa chính trị của các cường quốc, gây thiệt hại cho toàn khu vực.

Một viễn cảnh đáng lo ngại hơn nữa có thể là Mỹ rút khỏi Vịnh Persian khi nước này trở thành nước xuất khẩu năng lượng trong thập kỷ tới. Như thế có thể tạo ra một khoảng trống lớn mà Trung Quốc mong muốn lấp đầy. Nếu như vậy, sự hiện diện Hải quân của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng ở Ấn Độ Dương.

Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Australia? Ấn Độ Dương có vai trò quan trọng về chiến lược chưa được để ý tới. Những cuộc tập trận Hải quân gần đây của Trung Quốc ở gần lãnh thổ Australia ở Ấn Độ Dương cho thấy khả năng phát triển năng lực của nước này tới khu vực cận kề Australia.

Bấy lâu nay, Australia luôn dựa vào Mỹ ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh tương lai không chắc chắn, Australia cần xây dựng quan hệ đối tác với các nước trong khu vực.

Australia cần chủ động giúp tạo ra một môi trường ổn định trong khu vực, ủng hộ tự do hàng hải, khuyến khích Trung Quốc như là một bên liên quan có trách nhiệm ở Ấn Độ Dương trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục