Doanh nghiệp ngoại áp đảo thị trường bán lẻ Việt Nam

14:48' - 18/05/2016
BNEWS Trong khi các doanh nghiệp ngoại đang áp đảo thị trường bán lẻ Việt Nam thì các doanh nghiệp nội lại như hụt hơi trong cuộc chơi không cân sức với các đại gia này.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đánh giá tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, ngoài Saigon Co.opVingroup hiện không còn nhà bán lẻ nào có thể áp đảo được doanh nghiệp ngoại. Đáng buồn hơn cả là những cái tên như Hapro, Intimex, Fivimart dường như mai một dần trong mắt người tiêu dùng.

Không những thế, khi các doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó mà câu chuyện Big C tăng chiết khấu với những doanh nghiệp Việt đưa hàng vào siêu thị này là một minh chứng cụ thể.

Trong bối cảnh các thương vụ nhà đầu tư ngoại thâu tóm doanh nghiệp Việt đang diễn ra chóng mặt, ngành bán lẻ nội địa có thể trụ vững ra sao và tương lai sẽ đi về đâu là vấn đề được đông đảo đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 18/5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh với nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là đã lọt vào top 5 thị trường bán lẻ tốt nhất châu Á, đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu như năm 2008, cả nước mới có 386 siêu thị thì đến nay con số này đã là gần 800 siêu thị. Dự kiến, theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Cùng với đó, hành vi tiêu dùng của người dân cũng dần thay đổi theo xu hướng hiện đại, từ việc mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống sang mua sắm khối lượng lớn ở các siêu thị, trung tâm thương mại để phục vụ cả tuần cho gia đình. Đây chính là động lực để sự dịch chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại diễn ra nhanh hơn.

Mặc dù có nhiều cơ hội và lợi thế nhưng sức ép cạnh tranh của các nhà phân phối nước ngoài đang ngày càng lớn cùng với lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối. Các doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng phát triển do tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh bài bản đang thực hiện thôn tính các doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam bằng cách mua bán sáp nhập.

Bởi khi thực hiện các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vốn vào một thị trường bán lẻ tiềm năng như Việt Nam. Đây sẽ là thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.

Ông Lê Huy Khôi, chuyên gia Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, trong khi các doanh nghiệp ngoại áp đảo thị trường thì các doanh nghiệp nội lại như hụt hơi trong cuộc chơi không cân sức với các đại gia bán lẻ ngoại. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cần nghiên cứu và tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường mà chúng ta có lợi thế so với các doanh nghiệp nước ngoài như phát triển loại hình siêu thị chuyên doanh (FPT, Trần Anh, Thế giới di động…).

Bên cạnh đó, cũng theo ông Khôi, chợ truyền thống vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hạn nhằm phát huy và khai thác tốt tiềm năng khu vực thị trường này.

Tại hội thảo, không ít chuyên gia bày tỏ, ai nắm khâu bán lẻ sẽ làm chủ các ngành sản xuất. Nếu doanh nghiệp ngoại nắm thị trường bán lẻ, các nhà sản xuất phải dè chừng vì sẽ có nhiều hệ lụy. Việc cả hai chuỗi phân phối lớn là Big CMetro vào tay người Thái hay nhiều nhà bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản đang ngắm nghía thị trường này cũng bởi đây là "mảnh đất" còn nhiều tiềm năng chưa khai thác.

Ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong kế hoạch tiếp tục phát triển hàng Việt Nam mà Bộ Công Thương trình và Thủ tướng đã phê duyệt, có hẳn một chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bản đồ mạng lưới phân phối 63 tỉnh thành.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó, cần tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ để cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục