Nắm rõ về chính sách pháp luật trong lĩnh vực bán lẻ

15:49' - 03/03/2016
BNEWS Chính sách pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu hơi thở cuộc sống.

Đặc biệt hơn là thực thi các chính sách, pháp luật đó trong cuộc sống còn chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc phản biện và đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật chưa tốt.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bên lề Hội thảo về Phản biện, góp ý xây dựng chính sách - pháp luật: nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ do Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Phóng viên: Thưa bà, hiện nay chính sách pháp luật với ngành bán lẻ trong nước đang được thực hiện như thế nào và đã thực sự phù hợp cho sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ nội chưa?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan : Chúng ta cũng thấy rằng hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường phân phối bán lẻ đã có rồi và hiện nay có thể nói là cũng đang rải rác ở rất nhiều văn bản. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ cần phải có một hệ thống văn bản hiệu quả hơn, tốt hơn thì chắc chắn còn phải có rất nhiều công việc phải làm.

Hiện nay, Nhà nước cũng đã có một số hướng để có thể hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật này. Chẳng hạn là rà soát lại một số văn bản pháp luật có liên quan mà cụ thể như Luật Thương mại. Đây là luật điều chỉnh các hoạt động thương mại rất rộng mà trong đó có một phần về phân phối bán lẻ cũng như các luật khác có liên quan.

Chúng tôi cũng rất hy vọng hệ thống chính sách pháp luật ngày càng đi sát với cuộc sống và có thể tạo môi trường giúp cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ nói riêng có thể hoạt động và phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Phóng viên: Theo bà, những hạn chế của chính sách pháp luật hiện nay có gây trở ngại đối với sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội đối với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ nước ngoài?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan : Nếu nói về các văn bản pháp luật thì sẽ khó có văn bản nào dễ nhìn thấy được có rào cản gì hoặc sự phân biệt giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong thực tế dường như chúng ta thấy vẫn có tư tưởng hoặc tư duy dường như có chính sách ưu đãi hơn hoặc sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ cho các doanh nghiệp FDI.

Mặc dù chúng ta vẫn phải có sự kêu gọi họ vào đầu tư nên đã có những ưu đãi nhất định. Thế nhưng đến nay, không thể có những ưu đãi như vậy nữa nhất là khi các doanh nghiệp bán lẻ nội địa còn đang rất khó khăn và cần sự hỗ trợ để họ có thể phát triển tốt hơn. Bởi, nếu so sánh trên một tương quan lực lượng thì doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn đang rất yếu và đang rất nhỏ bé.

Phóng viên: Vậy thì kiến nghị chính sách đối với ngành bán lẻ nội ở đây là gì thưa bà?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan : Nếu nói một cách vĩ mô, chúng tôi mong muốn có một hệ thống tất cả các văn bản pháp luật thật minh bạch, rõ ràng và có tính khả thi để cho tất cả doanh nghiệp có môi trường kinh doanh bình đẳng và có thể cạnh tranh trong hội nhập.

Tuy vậy, chúng tôi mong muốn có những chính sách cụ thể để ủng hộ được việc phát triển thị trường nội địa mà chúng ta đã có. Đơn cư như Đề án Phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cách đây 2 năm. Dù vậy, việc triển khai vào thực tế vẫn là chậm chạp và thực sự chưa mang được hiệu quả to lớn như mong muốn.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng những chính sách pháp luật phù hợp với cuộc sống, phù hợp với thời đại hội nhập thì còn phải phù hợp với tình trạng thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam ở từng bước phát triển của họ.

Phóng viên: Chúng ta vẫn thường nói doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài được ưu đãi hơn so với doanh nghiệp nội. Nếu đặt ra câu hỏi, các doanh nghiệp nội cũng được hưởng ưu đãi như vậy thì liệu họ có khả năng phát triển và vươn lên như các doanh nghiệp bán lẻ ngoại hay không ?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan : Chúng ta khoan hãy nói đến ưu đãi mà hãy nói đến có một môi trường công bằng, minh bạch, rõ ràng cho tất cả các doanh nghiệp thì câu trả lời của Hiệp hội cũng như các thành viên của mình thì các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh, sẵn sàng vươn lên. Không có lý do gì mà chúng ta không phát triển trong môi trường đã được bình đẳng, miễn là có ý chí, tinh thần cạnh tranh, sáng tạo.

Điều này cũng thể hiện ở chỗ các thành viên của Hiệp hội trong rất nhiều năm qua dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng hết sức để có thể duy trì, giữ vững vị trí của mình trên thị trường cũng như các doanh nghiệp hiện nay đang khởi nghiệp vào ngành bán lẻ và rất nhiều cá nhân khác nữa.

Phóng viên: Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang vào Việt Nam rất nhiều và cụ thể như Thái Lan và Indonesia. Vậy đứng trước vấn đề khi mức thuế quan về 0% thì các doanh nghiệp bán lẻ Việt gặp những khó khăn ra sao và giải pháp để giải quyết vấn đề như thế nào, thưa bà?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Ở đây có hai vấn đề, một là thuế quan với hàng hóa và hai là góc độ nhìn của các nhà bán lẻ.

Về mặt hàng hóa, chúng ta thấy rõ ràng là không còn có một rào chắn hay một biện pháp phi thuế quan nào nữa. Hàng hóa Việt Nam chắc chắn là phải cạnh tranh khốc liệt thì mới có thể có chỗ đứng trên thị trường. Còn nhiệm vụ của các nhà bán lẻ chắc chắn phải lựa chọn quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện tại, một mặt hết sức ủng hộ hàng Việt nhưng tôi xin nhấn mạnh các hàng Việt Nam có chất lượng cao và giá cả thích hợp, mẫu mã phong phú cũng như kèm theo dịch vụ hậu mãi thì chắc chắn các nhà bán lẻ sẽ hết sức ủng hộ.

Thế nhưng, đứng trước thực tại hàng hóa ngoại nhập tràn vào với thuế suất bằng 0% thì các doanh nghiệp cũng không thể nào đi trái với quy luật của thị trường là chỉ ủng hộ hàng Việt thôi mà không lựa chọn hàng ngoại nhập có chất lượng tốt, giá cả thích hợp, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo về mọi mặt cho người tiêu dùng. Đó là sự lựa chọn của người tiêu dùng và tôi nghĩ rằng cả doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ đều phải lưu ý.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục