Doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội đầu tư vào công nghiệp Việt Nam

14:37' - 20/12/2018
BNEWS Trong hai ngày 19 – 20/12, Phái đoàn Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, Tiruppur (CII), đã đến thăm và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh, nhằm mở rộng cơ hội đầu tư và gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường Ấn Độ bằng cách đầu tư vào sản xuất sợi, vải, hàng may sẵn… ở Ấn Độ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018 là một năm tuyệt vời trong ngoại giao cấp cao giữa hai quốc gia. Việt Nam và Ấn Độ là một trong 5 nước xuất khẩu hàng đầu trong lĩnh vực dệt may và có một số điểm chung trong sản xuất, cũng như trao đổi hàng hóa.

Thống kê đến tháng 9/2018, ước tính đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 877 triệu USD. Còn thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam trong 10 tháng năm 2018, đạt 9,18 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), hầu hết các loại sợi, vải dệt thoi và vải dệt kim có thể được nhập khẩu miễn thuế từ Ấn Độ từ ngày 1/1/2019. Trong khi đó, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp vật liệu, vải và máy móc chất lượng cao với giá cạnh tranh nhất trên thế giới và là đối tác quốc tế đáng tin cậy của Việt Nam.

Cụ thể, các công ty Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường khổng lồ 1,3 tỷ dân ở Ấn Độ bằng cách đầu tư vào sản xuất sợi, vải, hàng may sẵn… ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cho phép 100% vốn FDI theo con đường tự động trong dệt may.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh (AGTEK) cho hay, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư với chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi trong ngành dệt may. Ngành công nghiệp Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty Ấn Độ đầu tư, thành lập các đơn vị sản xuất và dệt may để hưởng lợi từ lợi thế cạnh tranh của hiệp định thương mại và lực lượng lao động Việt Nam.

Ngoài ra, còn có rất nhiều cơ hội trong việc cung cấp sợi, dệt may và máy móc cho ngành công nghiệp Việt Nam và nâng cao khả năng lực lượng lao động.

Ngành công nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi bằng cách hình thành chuỗi cung ứng để tận dụng các điều kiện thương mại toàn cầu. Đồng thời, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển liên tục của ngành công nghiệp quan trọng này trong kỷ nguyên công nghệ mới của công nghiệp 4.0.

Trong khuôn khổ chương trình, Phái đoàn Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, Tiruppur (CII), cũng đã đến thăm các công ty dệt may Việt Nam tại Cần Thơ và Đồng Nai, cũng như thảo luận về các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp./.

Xem thêm:

>>Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào Bình Dương

>>Doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội đầu tư nhiều lĩnh vực vào Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục