Doanh nghiệp Anh mong muốn London theo đuổi Brexit "mềm"

10:45' - 22/01/2018
BNEWS Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May đang đối mặt với sức ép từ tổ chức các chủ doanh nghiệp nước Anh (CBI) kêu gọi chính phủ ở lại trong Liên minh thuế quan EU thời hậu Brexit.
Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May. Ảnh: EPA

Đề nghị này được cho là sẽ giúp những người ủng hộ (việc ở lại EU) trong đảng Bảo thủ và những nghị sỹ của Công đảng hợp lực với nhau để ép Thủ tướng May nghiêng về chọn hướng Brexit "mềm".

Bà Carolyn Fairbairn, người đứng đầu CBI, cho rằng nước Anh nên ở lại trong Liên minh thuế quan EU thời hậu Brexit cho dù điều đó có thể dẫn đến việc nước này sẽ không thể ký được các thỏa thuận thương mại riêng nào với các nước thứ ba ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Bà Fairbairn lập luận London nên ở lại trong liên minh thuế quan EU cho đến khi chứng minh được những thỏa thuận thương mại mới của nước Anh với Mỹ và các nước khác có thể bù đắp được những tổn thất mà đất nước sẽ phải đối mặt nếu rời liên minh này.

Liên minh thuế quan EU là một loại hình trong đó các nước thành viên đồng ý bãi bỏ các hạn chế về thương mại lẫn nhau, đồng thời thiết lập một hệ thống chung về thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu áp dụng cho các quốc gia không phải là thành viên.

Nói các khác, các nước thành viên có một “biểu thuế đối ngoại chung” (CET).

Khối này có mức thuế suất chung cao đối với các mặt hàng nông nghiệp, xe ô tô và dệt may nhập khẩu vào thị trường EU.

Một bất lợi của liên minh thuế quan là quốc gia thành viên không được phép đàm phán thỏa thuận thương mại của mình với các nước thứ ba.

Thủ tướng May từng tuyên bố rõ ràng về "những ranh giới đỏ" đối với vấn đề Brexit, trong đó có việc nước Anh phải được thi triển chính sách thương mại độc lập - một điểm được cho là sẽ buộc nước Anh chấp nhận thỏa hiệp nặng nề nếu như "xứ sở sương mù" tiếp tục ở lại trong Liên minh thuế quan EU.

Nếu là thành viên của Liên minh thuế quan EU, nước Anh sẽ không phải đóng góp ngân sách hằng năm cho EU cũng như không phải tuân thủ những quy định về tự do di chuyển của người dân trong EU tới nước Anh và ngược lại giống khi Vương quốc Anh ở lại thị trường đơn nhất, hay còn gọi là thị trường chung EU.

Đây là một dạng khác của khu vực thương mại tự do nâng cao mà trong đó không chỉ hàng hóa, mà cả dịch vụ, đầu tư và người dân di chuyển tự do.

Theo kế hoạch hiện nay của bà May, nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh thuế quan EU vào tháng 3/2019 nhưng sẽ có một thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng giữa hai bên trong thời kỳ chuyển đổi kéo dài hai năm đến năm 2021.

Sau năm 2021, Vương quốc Anh và EU sẽ ký với nhau một thỏa thuận thuế quan mới để nước Anh có thể theo đuổi chính sách thương mại độc lập riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục