Doanh nghiệp châu Á giảm lòng tin do tranh chấp thương mại

19:04' - 19/09/2018
BNEWS Khảo sát mới nhất của Thomson Reuters kết hợp với trường kinh doanh INSEAD cho thấy lòng tin của các công ty châu Á trong quý III/2018 đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.

Lòng tin của các công ty châu Á giảm sút do những lo ngại về tác động từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang.

Cụ thể, khảo sát của Thomson Reuters/INSEAD cho thấy Chỉ số tâm thái doanh nghiệp châu Á trong các tháng 7-9/2018 đã giảm từ 74 (điểm) hồi quý trước xuống còn 58 - mức thấp nhất kể từ quý IV/2015. Kết quả này dựa trên khảo sát 104 công ty tại châu Á về triển vọng kinh doanh trong sáu tháng tiếp theo.

Đây là lần giảm theo quý thứ hai liên tiếp của chỉ số trên và là mức giảm cao nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2009.

Ông Antonio Fatas, giáo sư kinh tế tại INSEAD, cho biết việc chỉ số trên suy giảm là một tín hiệu rõ nét về khả năng xảy ra một sự giảm tốc về tăng trưởng kinh tế. Ông cũng nói khi xét về mặt lịch sử, kết quả khảo sát này có tương quan khá sát với những thay đổi trong tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp tham gia khảo sát là một cuộc chiến thương mại toàn cầu xảy ra, trong khi rủi ro thứ hai được thường xác định là kinh tế Trung Quốc suy giảm cùng với những biến động trên thị trường tiền tệ.

Ngày 18/9, Trung Quốc đã thông báo áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập từ Mỹ nhằm đáp trả quyết định ngày 17/9 của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế 5-10% sẽ có hiệu lực lên khoảng 5.200 sản phẩm và hàng hoá Mỹ vào ngày 24/9, cùng ngày với mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà phân tích nhận định rằng một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ ảnh hưởng một cách "vừa phải" đến tăng trưởng kinh tế của hai bên. Song sẽ có tác động sâu rộng tới cả những quốc gia khác trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biết trong bối cảnh hầu hết các nước châu Á đều phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Những chuyển biến không mấy tích cực trong mối quan hệ Trung - Mỹ cũng làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư về các tài sản rủi ro, đồng thời gia tăng dòng vốn “chảy” khỏi các thị trường mới nổi.

Các thị trường này cũng đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất tại Mỹ tăng cao, bên cạnh những lo ngại về sự lây lan của khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.

Bị ảnh hưởng bởi tình trạng "chảy máu" vốn, đồng rupee của Ấn Độ, đồng rupiah của Indonesia và đồng peso của Philippines đang là những đồng tiền có mức trượt giá lớn nhất tại châu Á tính từ đầu năm tới nay. Trong bối cảnh đó, Delhi, Jakarta và Manila đã phải tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ của họ, bên cạnh một số các biện pháp khác.

Bất chấp những diễn biến trên, các chỉ số phụ của cuộc khảo sát cho thấy các công ty ở Indonesia và Ấn Độ là trong số những doanh nghiệp lạc quan nhất, chỉ sau Thái Lan. Trong khi đó lòng tin của một số công ty ở Philippines đã suy giảm, với chỉ số phụ của nước này hạ từ 94 (điểm) xuống 61.

Khi tính theo các ngành nghề, ngành xây dựng và kỹ thuật nằm trong nhóm có chỉ số phụ kém nhất với mức 45 - thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay. Các công ty bất động sản và ô tô là nhóm bi quan nhất, tuy vậy chỉ có ba công ty tham gia khảo sát ở mỗi ngành này.

Các công ty ngành kim loại và hóa chất có chỉ số lạc quan nhất. Những công ty tham gia trả lời khảo sát gồm có Oil Search, Reliance Industries, Suzuki Motor, Asahi Group, Canon, Central Plaza Hotel và Delta Electronics.

>>>Vẫn còn cơ hội cho đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục