Doanh nghiệp chế biến gỗ liên kết hoàn thiện chuỗi cung ứng xuất khẩu

12:58' - 28/02/2020
BNEWS Năm 2020 là năm có thể là một năm biến động đối với lĩnh vực chế biến gỗ, đặc biệt là do dịch COVID-19.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Dịch COVID-19 đang và sẽ tiếp tục tác động đến thương mại giữa hai quốc gia cũng như các luồng cung xuất khẩu khác của Việt Nam đi các nước.

Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường, thực trạng 2019 và xu hướng 2020”. Hội thảo do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp cùng các Hiệp hội, Hội trong lĩnh vực chế biến gỗ và Tổ chức Forest Trends tổ chức ngày 28/2, tại Hà Nội.

Dăm gỗ là mặt hàng chính được xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch trên  972 triệu USD (2019), chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Dịch COVID-19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Theo ông Tô Xuân Phúc,  Tổ chức Forest Trends, điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu các loại ván từ Trung Quốc với gần 400 triệu USD. Dịch COVID-19 đã làm cho luồng cung này hiện đang bị dừng lại. Lượng hàng đã nhập có thể giúp doanh nghiệp Việt đủ nguyên liệu từ nguồn này trong vòng 1-2 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất.

"Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam với các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất… Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt khi nguồn phụ kiện được nhập khẩu từ trước chỉ còn khoảng 2-3 tháng.", ông Tô Xuân Phúc dự báo.

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland cho rằng, chế biến gỗ bị ảnh hưởng lớn nhất do dịch COVID-19 trong một số khâu về cung ứng một số nguyên liệu, vật tư, phụ kiện từ Trung Quốc. Các mặt hàng này đã tác động có tính chất cộng hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, sơn bề mặt chỉ chiếm 7% giá thành sản phẩm nhưng nếu bị gián đoạn coi như cả lô hàng sẽ bị gián đoạn và gây tác động lớn. Bên cạnh đó, khâu hoàn thiện sản phẩm một số doanh nghiệp phụ thuộc vào lao động từ Trung Quốc, nhiều nhà máy đã phải dừng lại vì công nhân chưa sang Việt Nam được.

Ông Vũ Hải Bằng khuyến nghị, dịch COVID-19 có thể gây tác động lớn trong giai đoạn đầu nhưng với sự năng động của doanh nghiệp, họ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp. Doanh nghiệp nên mạnh dạn tìm kiếm các nhà cung cấp từ trong nước.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dịch làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất gỗ lớn. Trong giá thành sản phẩm gỗ, nguyên liệu gỗ chỉ chiếm 35%, còn lại là các chi phí về vật liệu phụ trợ phục vụ cho sản phẩm gỗ. Điển hình như mặt hàng sơn, dù là sơn của Hoa Kỳ nhưng cũng được sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên phụ liệu thay thế từ Việt Nam cũng như các nước nước. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần liên kết với nhau để các sản phẩm của mình được tham gia vào chuỗi cung ứng trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Khi cùng nhau hợp tác để sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí của nhà nhập khẩu và nhanh chóng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tác động đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ thời gian tới còn có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA). Thực thi Hiệp định trong tương lai có thể góp phần mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, với hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu vào EU hiện đang có mức thuế rất thấp (từ 6% trở xuống) và thực thi chính thức Hiệp định sẽ chỉ bắt đầu sau khi Quốc hội hai bên phê chuẩn. Do đó, trong năm 2020 sẽ khó có thể có những bước đột phá trong việc mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam tại EU.

"Hiện Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2019, Hoa Kỳ nhập khẩu 5,1 tỷ USD các mặt hàng gỗ từ Việt Nam, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này, tăng 42% so với kim ngạch năm 2018. Cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành gỗ, chủ yếu tại thị trường Mỹ nhưng rủi ro về gian lận thương mại và đầu tư trong ngành gỗ vẫn song hành cùng với các cơ hội này." ông Tô Xuân Phúc nhận định.

Năm 2019, trong xuất khẩu lâm sản, riêng các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 10,3 tỷ USD, tăng 22% so với kim ngạch năm 2018. Đây là mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt ở những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU và tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng trong tương lai.

Năm 2019 cũng có gần 4.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gỗ. Lượng doanh nghiệp này tăng 40% so với số doanh nghiệp tham gia vào khâu này năm 2018. Trong giai đoạn 2018-2019, tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nội địa tham gia vào khâu xuất khẩu tăng 43%. Lượng doanh nghiệp FDI tham gia vào khâu này tăng 26%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục