Doanh nghiệp cơ khí cần gì để tăng năng suất lao động?

17:03' - 03/09/2019
BNEWS Năng suất lao động vốn giữ vai trò quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.

Vấn đề là doanh nghiệp phải làm thế nào để nâng cao được năng suất lao động.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97%, được xem là xương sống của nền kinh tế.. Ảnh: TTXVN

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI), năng suất lao động của Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng xuất phát từ chính môi trường làm việc, công nghệ hóa còn yếu.
Trừ ra những ngành chúng ta đã phát triển và có thế mạnh như cơ khí thủy công, chế tạo dàn khoan dầu khí, đóng tàu… thì đa số các ngành chế tạo linh phụ kiện của Việt Nam, năng suất còn kém, người lao động có tay nghề khéo, nhưng đa số vẫn còn yếu về kỹ năng, công nghệ và tư duy sáng tạo.

Chính vì thế, sản phẩm của Việt Nam vẫn còn ở trong ao làng, chưa thể tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu, sản xuất cùng các doanh nghiệp quốc tế, ông Long nói thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho hay, tại sao các doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản, Đức… họ có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới. Đó là nhờ nguồn lực của họ, ngoài có nhân lực trình độ, thì còn nhờ máy móc, công nghệ rất cao.

Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cũng đã từng tuyển người thiết kế về chế tạo, gia công từ các trường đại học, nhưng rất khó để có thể tìm được nhân lực chất lượng.
“Năng suất không phải chỉ là anh có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn trong cùng một thời gian như quan điểm về năng suất lúa gạo trước đây. Mà năng suất lao động trong thời đại công nghiệp 4.0, hội nhập phải là sản xuất những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, khoa học cao, nâng giá trị sản phẩm, giá trị của doanh nghiệp ở tầm cao hơn”, ông Kết nhận định.
Chia sẻ thêm, ông Kết thừa nhận, bản thân doanh nghiệp SKD Việt Nam luôn nhận thấy, hàm lượng công nghệ, độ tinh xảo trong sản phẩm gia công cơ khí của mình vẫn còn kém. Chính vì thế, doanh nghiệp này trong năm 2019 vừa qua, liên tục phối hợp với các đối tác phía Nhật Bản, sẵn sàng học hỏi để thay đổi cách quản lý, sản xuất của Nhật, đầu tư máy móc thiết bị, nâng tầm sản xuất.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97%, được xem là xương sống của nền kinh tế. Vì vậy, nâng cấp sản xuất tại các doanh nghiệp này vươn đến tầm quốc tế sẽ là điều kiện để nâng cao năng suất lao động quốc gia. 
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, năng suất lao động luôn là vấn đề được công ty đặc biệt quan tâm. Công ty luôn khuyến khích người lao động có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động quản lý và sản xuất của công ty, nhà máy.
Nhờ đó, việc tăng năng suất lao động thời gian qua đạt kết quả tốt ở cả ba miền. Ở các công đoạn sản xuất yêu cầu số lượng nhân lực đông như: uốn, mạ ống, tẩy rỉ, cán, mức tăng năng suất lao động đều đạt từ 7-15%.

Đặc biệt, tại nhà máy ống thép ở Bình Dương và Long An, từ quý IV/2018, nhờ thực hiện đóng bó ống bằng máy đã góp phần tăng năng suất lao động uốn ống 20-25%.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp, có 3 yếu tố cần tập trung: công nghệ, nhân lực và vốn; trong đó, về công nghệ, máy móc thiết bị là yếu tố quan trọng, nhưng phải cộng thêm cách tổ chức quản lý khoa học mới mang lại hiệu quả và giảm bớt số công nhân. Thêm vào đó, cần tăng cường kỹ năng, năng lực của người lao động. Vấn đề này có vai trò nhiều của các cơ sở đào tạo, trường học.
Để cải thiện năng suất, ngoài tập trung vào yếu tố khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng, yếu tố vốn cũng đóng vai trò quan trọng.

Hơn 98% doanh nghiệp trong nước còn nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn về tài chính, vốn đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất, trong khi nguồn vốn ưu đãi vẫn khó tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Kết cho rằng, đầu tư công nghệ, máy móc là rất rủi ro, nhiều thời điểm, sản xuất ra sản phẩm tốt, có giá thành cao nhưng thị trường không đón nhận, trong khi tiềm lực tài chính còn hạn chế.
Vì vậy, mong muốn Nhà nước hỗ trợ như có chính sách tiếp cận hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có những chính sách giúp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp như đổi mới sáng tạo, tiếp cận các mô hình quản trị hiện đại, hay có các doanh nghiệp đầu tàu để kéo doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đi lên…
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI cho rằng, xét cho cùng, năng suất lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải tự mình tìm tòi, học hỏi những công nghệ mới, cách thức quản lý khoa học từ các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn.
Hiệp hội cũng đã phối hợp các đơn vị trong nước để tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo lớn về máy móc, cơ khí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam – quốc tế gặp gỡ và tìm kiếm hợp tác. Sắp tới, hiệp hội sẽ tiếp tục có tổ chức những chương trình như vậy, vấn đề còn lại là hành động của doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước như thế nào. Cơ hội là rất nhiều ở phía trước, ông Long nói thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục