Doanh nghiệp có niềm tin phục hồi, bắt kịp đà tăng trưởng

13:20' - 03/04/2024
BNEWS Quý I, cả nước có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới, đây là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy các doanh nghiệp có niềm tin vào thị trường

Nối tiếp đà tăng trưởng từ quý IV/2023, GDP quý I/2024 tăng 5,66%; trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 66%); chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng đầu năm đều trên ngưỡng 50 điểm. Như vậy, có thể thấy nền kinh tế nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng dù gặp nhiều khó khăn nhưng về tổng thể vẫn có nhiều tín hiệu tích cực theo hướng mở rộng.

* Doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 10 năm

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2024, cả nước có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới, đây là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy các doanh nghiệp có niềm tin vào kết quả hoạt động kinh tế của đất nước, và tiếp tục tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nổi bật, tình hình đăng ký kinh doanh từ đầu năm đến nay đã dần tích cực hơn khi trong tháng 3/2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 17.136 doanh nghiệp, lớn hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 10.531 doanh nghiệp.

Cũng trong quý I/2024, cả nước gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có đến 53.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 72,1%). Một bộ phận doanh nghiệp này đang tạm dừng để sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình mới.

Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng), chiếm gần 90% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm), chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ (chiếm trên 74%).

Đối với số liệu số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.848 doanh nghiệp, thấp hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 73.978 doanh nghiệp. Tổng cục Thống kê lý giải, đây không phải là hiện tượng bất thường mà có tính chất quy luật của thị trường.

Thông thường trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thường chưa nhiều, một phần do các doanh nghiệp còn lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong quý I có Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường có tâm lý qua Tết nguyên đán mới triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, bên cạnh những điểm tích cực, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý I năm nay vẫn có một số điểm đáng lo ngại; đó là số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã xuất hiện từ quý I năm 2023, tuy nhiên, mức độ chênh lệch quý I/2023 không lớn như quý I năm nay (quý I/2023 chênh khoảng trên 3 nghìn doanh nghiệp, quý I/2024 cao hơn 14 nghìn doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp có xu hướng giảm từ năm 2023 trở lại đây, giai đoạn 2017-2022 vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp cao hơn 10 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Chỉ ra nguyên nhân, đại diện Vụ Thống kê xây dựng và công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế thế giới quý I năm nay thực sự chưa khởi sắc, các thị trường chính của nước ta cũng chưa phát triển mạnh, xung đột địa chính trị làm tăng chi phí sản xuất, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng.

Cùng với đó, kinh tế nước ta đang phát triển theo chiều hướng mở rộng quy mô là chủ yếu chứ chưa thực chất phát triển theo chiều sâu. Trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, khả năng liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế.

Không những thế, các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế ngày càng cao hơn, đảm bảo chất lượng nhưng phải xanh, phát triển bền vững, cho thấy quá trình đào thải, chọn lọc của thị trường diễn ra khắc nghiệt hơn. Các doanh nghiệp nếu không chủ động thích ứng sẽ không thể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp còn hoạt động là những doanh nghiệp có tiềm năng và thực lực thực sự.

Mặt khác, một số chính sách của Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện còn chậm, để tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc cần nhiều thời gian, làm ảnh hưởng tiến độ và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

*Chính sách hỗ trợ cần đi ngay vào cuộc sống

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đồng thời, tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Mặt khác, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực.

Về phía góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp rất cụ thể. Điều quan trọng là chính sách hỗ trợ cần đi ngay vào cuộc sống, vì hiện nay, tình hình chung của doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Tân cũng cho rằng, cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhất là các chính sách về thuế và lãi suất. Cùng đó, nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT tới hết năm 2024 thậm chí có thể kéo dài hơn nữa nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp. Các chính sách này có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi để bắt kịp đà tăng trưởng.

“Chính phủ cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục