Doanh nghiệp công nghệ lần lượt tiến vào Đông Nam Á

05:30' - 16/05/2024
BNEWS Tại Đông Nam Á, lực lượng lao động đang phát triển có thể giúp khu vực này trở thành một lựa chọn khả thi khác ngoài Trung Quốc trong việc tuyển chọn tài năng công nghệ.

Từ lâu, Đông Nam Á - từng được coi là kém phát triển về công nghệ - đã trỗi dậy nhanh chóng và trở thành trung tâm của ngành công nghệ trong những năm gần đây.

Vài tháng qua, giám đốc điều hành của những “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Microsoft, NVIDIA và Amazon đã lần lượt đến thăm các nước Đông Nam Á, đồng thời cam kết đầu tư nhiều tỷ USD, ngoài ra các nhà lãnh đạo này còn tổ chức hội đàm với người đứng đầu chính phủ những nước như Indonesia, Malaysia…

Theo Bloomberg, mặc dù xét về trình độ công nghệ, Đông Nam Á vẫn bị cho là tụt hậu hơn so với Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, khu vực có 675 triệu dân này đang thu hút được nhiều đầu tư trong lĩnh vực công nghệ hơn so với trước đây.

Chỉ tính riêng các trung tâm dữ liệu, những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất toàn cầu sẽ đầu tư khoảng 60 tỷ USD trong những năm tới, để đáp ứng nhu cầu khổng lồ về streaming video (video phát sóng trực tiếp), mua sắm trực tuyến và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của giới trẻ Đông Nam Á.

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngày càng gay gắt và tình hình chính trị khó dự đoán ở Ấn Độ, thì Đông Nam Á đang là nơi sở hữu môi trường ổn định, có khả năng đón nhận thời cơ tốt. Môi trường kinh doanh thân thiện, nguồn nhân tài mở rộng nhanh chóng và doanh thu tăng đã thúc đẩy các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon quan tâm đến khu vực này.   

Có phân tích nhấn mạnh, bên cạnh cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, tốc độ tăng trưởng doanh thu giảm và chi phí tăng cũng khiến cho các doanh nghiệp quản lý chi tiêu thận trọng hơn.

Lực lượng lao động Đông Nam Á phát triển giúp khu vực này trở thành một phương án lựa chọn khả thi khác ngoài Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á thúc đẩy cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng, do đó khu vực này cũng có sức hấp dẫn trên các phương diện sản xuất, trung tâm dữ liệu, nghiên cứu khoa học và thiết kế…

Quy mô thị trường phụ kiện công nghệ và dịch vụ trực tuyến của Đông Nam Á cũng tương đối lạc quan. Theo ước tính của Chính phủ Singapore, đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 65%, trong khi sức mua cũng không ngừng tăng lên. Các tổ chức như Temasek Holdings và Google cũng ước tính thị trường dịch vụ liên quan đến Internet sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 600 tỷ USD.

Dự kiến AI sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghệ. Số lượng người sử dụng AI tạo sinh như ChatGPT cũng sẽ tăng nhanh. Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney đã nhấn mạnh trong một báo cáo rằng, đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo có thể giúp quy mô kinh tế của khu vực này tăng 1.000 tỷ USD.

Ưu tiên đối với AI đồng nghĩa với việc cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu để lưu trữ và xử lý dữ liệu thông tin lớn. Số liệu của Cushman & Wakefield cho thấy, đến năm 2028, nhu cầu của Đông Nam Á và Bắc Á đối với trung tâm dữ liệu sẽ tăng khoảng 25% mỗi năm, trong khi tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ là 14%. Khi đó, doanh thu trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á cũng sẽ đứng thứ hai toàn cầu ở các khu vực ngoài Mỹ.

Các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, các nước Đông Nam Á đa dạng về chính trị, văn hóa và địa lý, không phải là môi trường thị trường dễ dàng nhất cho hoạt động của những công ty xuyên quốc gia. Một số rủi ro có thể kể đến bao gồm hiểu biết văn hóa làm việc, cũng như biến động tỷ giá của các nước.

Tuy nhiên hiện nay, chi phí tương đối thấp của lực lượng lao động Đông Nam Á và trình độ công nghệ cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các công nghệ đắt đỏ như mô hình ngôn ngữ lớn, những công nghệ này không những phải đầu tư vốn lớn, mà đòi hỏi cần có kỹ sư lành nghề.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục