Doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh

15:30' - 28/04/2021
BNEWS Có hai cách tiếp cận cơ bản để thúc đẩy doanh nghiệp tự điều chỉnh hành vi để đầu tư vào công xanh và vận hành theo hướng thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo điều tra doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành mới đây cho thấy, có hai cách tiếp cận cơ bản để thúc đẩy doanh nghiệp tự điều chỉnh hành vi để đầu tư vào công nghệ xanh và vận hành theo hướng thân thiện với môi trường.

Đó là các nhà hoạch định chính sách có thể can thiệp bằng thể chế, tức là xây dựng quy định và tăng cường thực thi pháp luật về môi trường một cách nghiêm khắc hơn, hay còn gọi là tạo áp lực thể chế.

Hoặc, các cơ quan chính quyền có thể công bố các mục tiêu bảo vệ môi trường để các thiết chế ngoài Nhà nước thực hiện việc giám sát, xếp hạng hay chính quyền trực tiếp công khai hồ sơ cải thiện môi trường của doanh nghiệp.

Qua đó, tạo cơ sở cho các lực lượng thị trường trừng phạt những doanh nghiệp nào gây ô nhiễm thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động do các tổ chức xã hội thực hiện, còn gọi là cơ chế gây áp lực xã hội.

Theo nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), mỗi cách tiếp cận đều có điểm mạnh, điểm yếu. Việc thực thi quy định do các cơ quan Nhà nước triển khai trực tiếp, vì thế điểm mạnh chính là tính hiệu lực. Tuy nhiên, có thêm quy định đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí tuân thủ khiến ngân sách Nhà nước phải chi thêm đáng kể để nâng cao quy mô và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường.

VCCI luôn cho rằng, các quy định pháp luật có thẻ gây phiền hà cho các doanh nghiệp, mà doanh nghiệp lại luôn lo ngại việc gia tăng gánh nặng chi phí, tuân thủ pháp luật; cũng như hiện tượng các cán bộ thanh tra có thể lợi dụng việc thực thi công vụ để đòi hỏi chi phí không chính thức....

Bên cạnh đó, áp lực xã hội thì rõ ràng là một cách tiếp cận ít gây tốn kém hơn cho cả Nhà nước và nhà đầu tư. Song lại khó chắc chắn về kết quả đạt được. Bởi cách tiếp cận này phụ thuộc vào khả năng của các thiết chế ngoài nhà nước trong việc tiếp cận thông tin đầy đủ và chính xác về vấn đề môi trường của các doanh nghiệp; cũng như phụ thuộc vào phản ứng của người tiêu dùng như: tẩy chay hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp "bẩn" hay những doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường...

Khuyến nghị từ phía VCCI đó là không nên có một cách tiếp cận cứng nhắc trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Việc tăng cường quy định về môi trường có thể có hiệu quả hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng không mấy tác động đến các doanh nghiệp trong nước, dù có thể làm phát sinh chi phí rất đáng kể để triển khai thanh tra, kiểm tra một lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân trong nước ở quy mô nhỏ và phân tán ở khắp nơi.

Trong khi đó, áp lực xã hội lại là  yếu tố thúc đẩy hiệu quả các doanh nghiệp tư nhân trong nước có tham vọng tiếp cận các thị trường quốc tế. Chính điều đó sẽ là động lực buộc họ tự thay đổi hành vi theo hướng thân thiện hơn với môi trường, ông Tuấn nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục