Doanh nghiệp dệt may đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang trong nước

15:59' - 03/02/2020
BNEWS Theo Bộ Công Thương, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang 3 lớp tại Việt Nam với năng lực trên 1,24 triệu chiếc/ngày.
Doanh nghiệp dệt may trong nước đang khẩn trương sản xuất khẩu trang tới người tiêu dùng. Ảnh:Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Theo Bộ Công Thương, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang 3 lớp tại Việt Nam với năng lực trên 1,24 triệu chiếc/ngày, 2 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang N95 với năng suất 32.000 chiếc/ngày, năng suất này có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết, công ty có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này.

Mặt hàng vải do công ty tự chủ động nguyên liệu, cơ bản là từ trong nước, chỉ phải nhập khẩu một số lượng nhỏ hóa chất kháng khuẩn từ Nhật Bản.

Do vậy về lâu dài công ty không lo bị thiếu nguyên liệu. Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona, công ty đã sản xuất khẩu trang để phục vụ và trang bị cho nhân viên trong ngành. 
Trong thời gian tới công ty sẽ gia tăng sản xuất sản phẩm và bán ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Sản phẩm khẩu trang của công ty bằng vải dệt kim có 2 lớp; trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoảng 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch.
Nguyên liệu hoàn toàn do Công ty Dệt kim Đông Xuân tự chủ sản xuất với công suất 5-8 tấn/ngày, có thể tăng công suất lên 8-10 tấn/ngày, mỗi tấn vải có thể sản xuất được khoảng 40.000 chiếc khẩu trang. Giá bán lẻ sản phẩm là 7.000 đồng/chiếc. 
Hiện nay, mỗi ngày công ty có thể sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc/ngày, huy động các đơn vị vệ tinh để sản xuất.

Công ty đã trao đổi với Công ty May Hòa Thọ (Đà Nẵng) để phối hợp nâng cao sản lượng khẩu trang. 
Tuy nhiên, khẩu trang của công ty hiện nay có thể đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản, nhưng lại chưa chắc chắn có đáp ứng quy chuẩn về khẩu trang y tế của Việt Nam hay không. Do vậy, công ty đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy. 
Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Uy có 2 dàn máy tự động (đầu tư mỗi máy là 2 tỷ USD với 6-10 công nhân/máy) sản xuất khẩu trang 3 lớp hoặc 4 lớp, không có lớp than hoạt tính, mỗi ngày sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang, nếu tăng ca hết công suất có thể sản xuất được 100.000 chiếc.

Hiện công ty đang cho công nhân chạy máy 24/24h. Công ty không bán sản phẩm ra ngoài, chỉ cung cấp cho khách hàng của công ty với giá bán 30.000 đồng/hộp 50 chiếc, không tăng giá bán. 
Đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Uy cho biết, dự kiến công ty sẽ cung cấp khẩu trang cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Xuất nhập cảnh mỗi đơn vị 15.000 chiếc để trang bị cho cán bộ đi làm nhiệm vụ.

Công ty không nhập khẩu màng lọc kháng khuẩn từ nước ngoài mà mua từ công ty thương mại trong nước (Công ty TNHH Ánh Minh) và nguyên liệu này được nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc.

Các nguyên liệu này đều được nhập khẩu về trước dịch nên trong thời gian tới giá nhập khẩu tăng thì giá mua chắc chắn sẽ cao hơn. Hiện công ty còn trong kho khoảng 2 tạ màng lọc kháng khuẩn và đang làm việc với Công ty Ánh Minh cung cấp tiếp 5 tạ để sản xuất khoảng 1 tỷ sản phẩm.
Với số lượng 7.000 doanh nghiệp trong ngành dệt may, việc tham gia sản xuất mặt hàng khẩu trang vải không đòi hỏi nhiều về thay đổi quy trình, máy móc, việc sản xuất khẩu trang có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là các khẩu trang thông thường, chưa được công nhận là khẩu trang y tế, do vậy khả năng thị trường chấp nhận đến đâu còn chưa xác định được.

Công nhân dệt may Việt Nam tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp ra thị trường phòng chống dịch do virus Corona. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Tổng Giám Công ty Minh Trí cho biết, công ty chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu đi các nước, không sản xuất khẩu trang. Hiện nay, trước diễn biến của virus Corona, công ty chủ động sản xuất số lượng nhỏ để đáp ứng nhu cầu nội bộ (công nhân, gia đình công nhân) và phục vụ đối tác. 
Công ty sẵn sàng tham gia sản xuất khẩu trang theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, công ty đề nghị được Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải, để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu.

Công ty cũng mong muốn được Bộ Y tế hướng dẫn để sản xuất khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang có quan hệ thương mại hai chiều rất lớn với Trung Quốc.

Đặc biệt, nguyên, phụ liệu dệt may (sợi, vải, phụ liệu) đang được nhập chủ yếu từ Trung Quốc; trong đó nhập vải chiếm gần 60%, xơ sợi chiếm 55% trong năm 2019.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp tình hình dịch bệnh cũng đã có tác động xấu đến sản xuất kinh doanh của ngành.

Công ty cổ phần Tanaphar chuyên sản xuất khẩu trang tiệt trùng sử dụng cho các cơ sở y tế cho biết, công ty sản xuất 2 loại khẩu trang gồm: loại 3 lớp có vải lọc kháng khuẩn và loại 4 lớp có thêm lớp than hoạt tính, với công suất từ 50.000 đến 60.000 sản phẩm mỗi ngày.

Với nhu cầu gia tăng hiện nay, công ty đang sản xuất đạt mức tối đa là 24/24h mỗi ngày để cung cấp cho thị trường. Giá bán buôn khoảng 30.000 đồng/hộp 50 chiếc, không tăng giá.

Tuy nhiên với nguồn nguyên liệu hiện có, công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng một tuần. Nguyên liệu sản xuất chính gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính.

Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất nên phải nhập khẩu. Để sử dụng trong phòng dịch chỉ cần loại khẩu trang 3 lớp, loại 4 lớp sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế.

Công ty nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc trước dịch là 2USD/kg vải lọc kháng khuẩn, hiện đã tăng lên 12 USD/kg. Một tấn vải lọc kháng khuẩn sản xuất được 1,5 triệu khẩu trang. 

Hiện nay nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không còn nữa do họ cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang và máy móc sản xuất khẩu trang.

Công ty đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10-12 USD/kg. Công ty mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Để khắc phục khó khăn ban đầu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu trong nước thay thế và nguồn nguyên phụ liệu của các nước khác.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh và thời gian đóng, mở cửa khẩu của Trung Quốc và các nước có người bị lây nhiễm để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Trung Quốc đang có diễn biến phức tạp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn số 06/HHMVN gửi các doanh nghiệp hội viên. 

Theo đó, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần trao đổi với khách hàng tập trung khai thác nguồn nguyên, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định tinh thần và đời sống, thu nhập của người lao động.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tổng hợp tình hình để báo cáo Chính phủ; đồng thời, triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Ban Bí thư, tuyên truyền và có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để lây nhiễm cho công nhân cũng như cho cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục