Doanh nghiệp định hình lại marketing để vượt khó COVID-19

13:04' - 25/09/2021
BNEWS Đây là thời điểm thuận lợi nhất để mỗi doanh nghiệp, tổ chức kiểm tra, rà soát lại quy trình quản trị, vận hành, marketing hướng đến khách hàng.

Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, từ sản xuất kinh doanh đến bán hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, để vượt khó đại dịch, bản thân doanh nghiệp cần rà soát lại quy trình vận hành, marketing..., giúp tiết kiệm chi phí tối đa mà vẫn đảm bảo quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bà Lê Dung, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tổng giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi nhất để mỗi doanh nghiệp, tổ chức kiểm tra, rà soát lại quy trình quản trị, vận hành; đồng thời là cuộc thí nghiệm lớn trong điều kiện mọi yếu tố tại doanh nghiệp được cân bằng. Khi mà không có yếu tố nào quá nổi trội, đặc biệt là marketing.

Với kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu, TS. Dương Ngọc Dũng cho rằng, mục đích của marketing là tiêu diệt marketing, bán được hàng khi mà không cần marketing.

"Nghe tưởng chừng không hợp lý, nhưng điều này đã được kiểm chứng, đây là mức độ cao nhất trong marketing. Doanh nghiệp khi thực hiện được điều này sẽ tiết kiệm được một khoản chi cho marketing khá lớn và hầu như ít bị ảnh hưởng trước những tác động của đại dịch" TS Dương Ngọc Dũng nói.

Hiện nay, dựa trên những lý thuyết marketing truyền thống với mô hình 4P (Product -sản phẩm, Price - Giá cả, Place -Phân phối, Promotion -xúc tiến), theo thời gian, các nhân tố mới đã được bổ sung phát triển lên 9P với nhiều mảnh ghép quan trọng như: People - khách hàng, nhân viên, các thành phần hữu quan khác, Process - quy trình, Physical Evidence - bằng chứng cụ thể, Politics - chính trị và pháp luật, Philosophy - triết lý kinh doanh.

Ngoài các chữ P, chuyên gia Dương Ngọc Dũng cũng nhấn mạnh các chiến lược marketing được đưa ra cũng cần bám vào 4C, bao gồm: Customer (khách hàng); trong đó, mỗi sản phẩm đưa ra thị trường phải thực sự là một giải pháp dành cho khách hàng, sản phẩm đó giải quyết được nhu cầu thiết thực của khách hàng chứ không phải chỉ là giải pháp thu lời cho đơn vị kinh doanh.

Để làm tốt điều này, doanh nghiệp cần thật sự nhạy bén, nghiên cứu thật kỹ nhu cầu của khách hàng để tìm ra giải pháp thỏa mãn chúng.

Tiếp đó là Cost (chi phí), lượng chi phí khách hàng bỏ ra phải bao gồm cả chi phí sử dụng, vận hàng, bảo hành sản phẩm. Doanh nghiệp cần nghiên cứu để đưa ra giá bán sản phẩm hợp lý sao cho chi phí khách hàng bỏ ra tương xứng với lợi ích mà sản phẩm đem lại.

Chữ C thứ tư được TS Dương Ngọc Dũng đưa ra là Convenience (sự tiện lợi), doanh nghiệp phải chọn ra cách thức phân phối sản phẩm tiện lợi nhất cho khách hàng. Ví dụ chọn địa điểm mở cửa hàng nên chọn nơi gần bãi đỗ xe, có hệ thống ATM, điểm dừng bus, lắp đặt internet free,…

"Và cuối cùng là Communication (giao tiếp/truyền thông 2 chiều), ở đó việc tiếp thị truyền thông phải là quá trình giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp – khách hàng. Doanh nghiệp quảng bá về sản phẩm đến khách hàng – khách hàng phản hồi về ưu/nhược điểm của sản phẩm; tiếp thu những phản hồi khách hàng để tạo ra Customer solution (giải pháp cho khách hàng) cũng là điều mà mọi doanh nghiệp cần xem trọng.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tránh xa các phương thức quảng cáo “nhồi sọ” 1 chiều vì nó dễ gây nên ác cảm. Cần phải cho khách hàng cảm thấy mình được trân trọng và lắng nghe, doanh nghiệp vì họ mà làm nên sản phẩm. Chỉ khi nào khách hàng thấu hiểu và có những trải nghiệm sâu sắc về sản phẩm thì việc truyền thông 2 chiều mới được coi là thành công", TS Dũng nói.

Dù vậy, mọi mô hình vạch sẵn chỉ có tính chất tương đối, bản thân doanh nghiệp là người hiểu rõ sản phẩm và khách hàng của mình, do vậy, khi marketing phải thật sự linh động để áp dụng các chiếc lược sao cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, mục tiêu.

Các chuyên gia cho rằng, cần gắn liền lợi ích doanh nghiệp với lợi ích khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm. Chỉ doanh nghiệp nào lấy khách hàng làm tâm điểm của mọi chiến lược hành động thì doanh nghiệp đó mới có thể phát triển lâu dài, bền vững.

Chuyên gia Dương Ngọc Dũng cũng nêu ra những nhóm khách hàng mà doanh nghiệp cần quan tâm. Bao gồm: khách hàng thực tế là những người có nhu cầu và có khả năng tài chính mua sản phẩm; nhân viên (khách hàng nội bộ, người sử dụng sản phẩm, kênh tuyên truyền quan trọng cho doanh nghiệp; tiếp theo là cơ quan ban ngành liên quan.

Trong đó, nhóm khách hàng nội bộ chính là nhóm khách hàng quan trọng nhất. Họ sẽ là người đầu tiên thử nghiệm sản phẩm và mang những trải nghiệm thực tế đi chia sẻ cho người xung quanh. Những đánh giá tốt về sản phẩm có thể sẽ được lan tỏa đến nhiều khách hàng tiềm năng. Nhưng ngược lại một nhận xét không tích cực về sản phẩm do chính công ty của họ sản xuất sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ trong mắt của khách hàng.

Theo chia sẻ của bà Lê Dung, có thể thấy marketing là một quá trình mà các doanh nghiệp phải thật sự dành nhiều tâm huyết để xây dựng và triển khai đúng hướng. Marketing không chỉ là lợi nhuận, là doanh số mà quan trọng hơn, đó là những giá trị của sản phẩm có thể “lấp đầy” những “khoảng trống” thiết yếu của khách hàng.

Bà Lê Dung nhấn mạnh, song song với việc phát triển doanh nghiệp, tập trung kinh doanh, doanh nhân cũng cần thực hiện trách nhiệm xã hội. Đơn cử như câu chuyện của Vinfast, ra đời không chỉ phục vụ mục tiêu kinh doanh mà còn mang một ý nghĩa xã hội vô cùng lớn, nhằm khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra những giá trị cho cộng đồng mà thông qua đó, khách hàng sẽ có niềm tin, thiện cảm vào những sản phẩm, dịch vụ. Bởi phần lớn họ tin rằng doanh nghiệp có tâm, có đức ắt hẳn sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng xứng tầm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục