Doanh nghiệp, doanh nhân chuẩn bị cho hành trình mới

10:52' - 20/12/2020
BNEWS Chuẩn bị bước sang năm mới 2021, một năm được dự kiến sẽ có nhiều khó khăn, thách thức bởi các yếu tố như dịch bệnh COVID-19, thiên tai, doanh nghiệp, doanh nhân cần phải chuẩn bị cho hành trình mới. 

Chuẩn bị bước sang năm mới 2021 – một năm được dự kiến sẽ có nhiều khó khăn, thách thức bởi các yếu tố như dịch bệnh COVID-19; thiên tai và biến đổi khí hậu vẫn liên tiếp diễn ra đe dọa sinh mệnh và các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân loại; chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ vẫn đeo đẳng, gây sức ép tới nền kinh tế toàn cầu…. Vì vậy, doanh nghiệp, doanh nhân cần phải chuẩn bị cho hành trình mới. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bình luận như vậy trước những câu hỏi băn khoăn về hướng phát triển và hành trình tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Về thể chế pháp luật hiện hành và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chính phủ hiện đang chủ trương triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; đề án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng như các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các cam kết với cộng đồng quốc tế theo Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Đây đều là những khung khổ pháp lý  quan trọng để định hướng mục tiêu, cách thức triển khai nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. 
Theo kết quả khảo sát do VCCI tiến hành cho thấy, tương quan chặt chẽ giữa việc thực hiện các chỉ số quản trị bền vững và minh bạch thông tin, chỉ số trách nhiệm xã hội và môi trường với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thực tiễn, khi dịch COVID- 19 diễn ra, những doanh nghiệp nào xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững cũng chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp theo đuổi định hướng phát triển bền vững thường trụ vững tốt hơn, thậm chí không ít doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn đã biết tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên: bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, mở mang được thị trường, đóng góp được cho ngân sách và góp phần vào tăng trưởng.
Trước những vấn đề nêu trên, đại diện VCCI, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững năm 2021 và bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự đồng hành, hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các doanh nghiệp.
Đây cũng được coi là một phong trào thi đua đối với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trên hành trình mới đầy thách thức, nhưng hứa hẹn nhiều triển vọng. Từ đó, giúp thắp sáng một tương lai xanh và bền vững cho nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung của hội nhập kinh tế toàn cầu.
Để có thể tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tình hình mới, theo khuyến nghị của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp, doanh nhân cần thay đổi tư duy kinh doanh. Đồng thời, nhìn nhận sự phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay.
“Phát triển bền vững là giấy thông hành để doanh nghiệp đi vào thị trường thế giới và là căn cước của một công dân có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu. Định hướng kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững cần được thấm nhuần và trở thành cam kết trong toàn bộ bộ máy doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo, đến quản lý và từng cá nhân người lao động”, ông Vinh nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng Bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI) trong quản trị doanh nghiệp. CSI sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạch định một lộ trình cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, sớm phát hiện những rủi ro cũng như những cơ hội kinh doanh mới, qua đó quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn theo định hướng phát triển bền vững.
Cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước, những doanh nghiệp đã, đang áp dụng CSI cũng phải có trách nhiệm lan tỏa lợi ích và lan rộng việc sử dụng Bộ chỉ số CSI đến các doanh nghiệp trong mạng lưới đối tác. Từ đó, hình thành chuỗi giá trị phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh.
Hơn thế nữa, mỗi doanh nghiệp cũng nên tạo ra những mục tiêu phát riển bền vững cho riêng mình, theo công thức: S – strategy (chiến lược), D – determination (quyết tâm), G – governance (quản trị) hay S – strength (điểm mạnh), D – difference (khác biệt), G – growth (tăng trưởng)…
Với phong trào thi đua doanh nghiệp phát triển bền vững và hướng tới tạo nên cộng đồng kinh doanh phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm… chính là sứ mệnh và tôn chỉ hoạt động mà VCCI luôn theo đuổi ngay từ ngày đầu và được định hướng qua nhiều chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) từ 10 năm trước.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai Bộ chỉ số CSI; Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững từ  năm 2016 trên cơ sở Chương trình nghị sự 2030 và 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc vào năm 2015. Đó là những nỗ lực, những mục tiêu và đường hướng mà VCCI luôn bám sát, theo đuổi và phấn đấu thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục