Doanh nghiệp du lịch chuyển hướng, kích cầu thị trường nội địa

10:49' - 26/10/2021
BNEWS Nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành bắt đầu trở lại thị trường với chiến lược mới, trong đó ưu tiên hàng đầu là an toàn và chất lượng của sản phẩm du lịch.

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn vươn lên trở thành “Điểm đến hàng đầu châu Á 2021” (Asia's Leading Destination 2021).

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá tiềm năng, thế mạnh của một điểm đến an toàn và hấp dẫn, đồng thời giữ vững danh hiệu “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”, do World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch Thế giới) vừa vinh danh, trong mắt bạn bè quốc tế.

* Việt Nam - “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ năm 2015-2019, khách du lịch quốc tế đến nước ta tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng trung bình 22,7%/năm. Khách du lịch nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10,5%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng từ 355.000 tỷ lên 755.000 tỷ, gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng trung bình 19,3%/năm, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP cả nước.

Trong 5 năm (2015-2019), xếp hạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam đã tăng 12 bậc. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới và châu lục của World Travel Awards. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới, Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kế của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, ngành du lịch chứng kiến khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khi lượng khách quốc tế giảm hơn 70% (tương đương 1 tỷ lượt khách du lịch) do tâm lý lo sợ dịch bệnh và lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mức sụt giảm này đã đưa du lịch quốc tế trên thế giới trở về thời điểm năm 1990, đồng thời làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD đối với GDP toàn cầu.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình trên 22,7%/năm (giai đoạn 2015-2019). Do ảnh hưởng của COVID-19, năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%.

Tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%, tương đương 19 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động; lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch cũng phải đóng cửa khoảng 90%.

Khắc phục mọi khó khăn, từ năm 2020, toàn ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chú trọng phòng chống dịch, đảm bảo du lịch an toàn vừa chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa trong trạng thái “bình thường mới”, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi các hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ.

Ngành Du lịch cũng tiếp tục duy trì xúc tiến, quảng bá du lịch trực tuyến và trên các kênh truyền thông quốc tế, như CNN, CNBC. Và du lịch Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới khi được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế uy tín. Đó là giải thưởng “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” 2 năm liên tiếp; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” 2 năm liên tiếp và lần thứ 4 liên tiếp được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á”.

Đặc biệt, tháng 10/2021, Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards vinh danh lần thứ 3 là “Điểm đến hàng đầu châu Á 2021”. Để đạt danh hiệu này, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan.

Không chỉ là điểm đến hàng đầu châu Á, Việt Nam còn giành danh hiệu “Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á”, khi vượt qua các nước Indonesia, Lào, Nepal và Thái Lan. Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) còn đoạt giải "Điểm tham quan hàng đầu châu Á", Hội An (Quảng Nam) được vinh danh là "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á", và Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được trao giải "Công viên quốc gia hàng đầu châu Á".

Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards, ông Graham Cooke, cho rằng: “Những người chiến thắng là đại diện tốt nhất cho lĩnh vực du lịch và khách sạn của châu Á-Thái Bình Dương. Tất cả họ đều đóng vai trò đi đầu trong phục hồi ngành du lịch và lữ hành”.

Không chỉ có vậy, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Việc này đã tạo ra lợi thế so sánh tương đối lớn so với những nước được đánh giá là khá tương đồng trong khu vực.

Đây cũng là yếu tố mang đến sức mạnh cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Việt Nam để trở thành điểm đến an toàn, thu hút khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Thêm vào đó, việc những du khách nước ngoài chia sẻ cảm giác yên tâm khi ở lại Việt Nam ngay trong mùa dịch cũng là kênh lan tỏa, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu tranh thủ được thời gian nhanh chóng phục hồi du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới và sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế sớm khi điều kiện cho phép, Việt Nam có thể thu hút được lượng khách quốc tế lớn so với các nước trong khu vực.

* Nhiều địa phương lên kế hoạch phục hồi du lịch

Cùng với chủ trương nới lỏng giãn cách và mở cửa từng bước, nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai kế hoạch phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành bắt đầu trở lại thị trường với chiến lược mới, trong đó ưu tiên hàng đầu là an toàn và chất lượng của sản phẩm du lịch.

Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu) để thí điểm sản phẩm tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín. Tới đây, Thành phố tiếp tục thúc đẩy du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh, dành cho khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn.

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch Thành phố xác định thị trường nội địa là chủ lực cũng là cơ sở để phục hồi trong giai đoạn hiện nay, từ đó đẩy mạnh thiết kế, xây dựng những sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.

Bắt đầu từ ngày 1/11/2021, Kiên Giang mở cửa đón khách du lịch nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng tại 4 huyện, thành phố gồm thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá và huyện đảo Kiên Hải. Ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết Kiên Giang triển khai thí điểm đón khách nội tỉnh, khách ngoại tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch ở mức nguy cơ thấp (cấp 1) và nguy cơ trung bình (cấp 2); khuyến khích khách đi du lịch theo chương trình trọn gói của các đơn vị kinh doanh lữ hành.

Sau khi kết thúc 1 tháng thí điểm sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất xem xét mở rộng khai thác đến các thị trường  mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế.

Tại tỉnh Khánh Hòa, sau hơn 3 tháng bị “đóng băng”, ngành du lịch địa phương đã lên phương án để “rã đông”, hoạt động trở lại, thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Trước mắt, ngành du lịch tỉnh xác định sẽ ưu tiên kích cầu để thu hút nguồn khách là người dân địa phương. Ngày 15/10 vừa qua, Khánh Hòa đã mở cửa đón khách tham quan trở lại tại hai địa điểm là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia là di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng.

Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng đã đưa ra phương án khôi phục lại ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới. Trước mắt, Sở Du lịch đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng phương án đón khách du lịch nội địa và đề xuất xin chủ trương Chính phủ cho phép Đà Nẵng được thí điểm đón khách quốc tế.

Theo Sở Du lịch thành phố, hiện nay, các công ty du lịch tại Hàn Quốc, Nga và các hãng hàng không đang làm việc với Sở để đề xuất khôi phục các tour du lịch đến Đà Nẵng trong quý 4/2021 và năm 2022.

Sở Du lịch Quảng Bình cũng đã lập kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong điều kiện mới với 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ thời điểm ban hành kế hoạch (tháng 9) đến hết tháng 12/2021, tập trung nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới. Giai đoạn 2 từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, khi dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, tỉnh sẽ tập trung các biện pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh trong quý 4/2021. Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, từ nay đến cuối năm 2021, Quảng Ninh dự kiến tổ chức 50 sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch cùng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức các chương trình liên kết, hợp tác với kích cầu xúc tiến du lịch trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đề xuất mở lại thị trường du lịch quốc tế theo lộ trình tháng 11/2021 thí điểm đón khách đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; tháng 12/2021 mở rộng phạm vi đón khách du lịch di chuyển thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ, mở rộng ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Dự kiến, quý 2 năm 2022 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục