Doanh nghiệp gặp khó do hạ tầng Cụm công nghiệp chậm hoàn thiện

17:50' - 05/07/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) chồng chất khó khăn do hạ tầng thiết yếu tại đây chậm được đầu tư, hoàn thiện.

Trong khi đó, các hạng mục đã đầu tư khá manh mún, tạm bợ và đã nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp Thuận An, Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập vào tháng 5/2009.

Sau hơn 5 năm tiến hành các thủ tục về quy hoạch, thu hồi đất, san lấp mặt bằng, đến tháng 4/2014, cụm công nghiệp bắt đầu có các nhà đầu tư đầu tiên vào đăng ký thuê đất, xây dựng nhà xưởng và tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, cụm có 17 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, chế biến đá bazan, sản xuất, kinh doanh phân bón…

Theo UBND huyện Đắk Mil, tổng số vốn đầu tư vào hạ tầng Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An đến thời điểm này vào khoảng 32 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách tỉnh Đắk Nông, ngân sách huyện Đắk Mil và nguồn tiền đặt cọc thuê đất của doanh nghiệp.

Tổng diện tích của cụm công nghiệp này theo quy hoạch ban đầu hơn 52ha, đến nay mới hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích hơn 25ha.

Ông Trần Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp Thuận An xác nhận, hạ tầng cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục đang được thi công phải bỏ dở vì thiếu vốn.

Cụ thể, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; chưa có hệ thống thu gom nước mặt, nước mưa; chưa có hệ thống cấp nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt; hệ thống điện cũng chưa được ngành điện tiếp nhận, quản lý.

Ông Nguyễn Vũ Phước Trường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Nam Thắng Đắk Nông, một doanh nghiệp lớn đang sản xuất, kinh doanh tại đây cho biết việc nhiều hạ tầng thiết yếu không được đầu tư xây dựng khiến hoạt động của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trường cho rằng các ngành chức năng cần sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải sau quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Bởi để như hiện nay thì rất khó khăn cho mỗi doanh nghiệp; đồng thời phát sinh rất nhiều chi phí…

Ngành chức năng cũng cần sớm xử lý các vấn đề khó khăn về đường nội bộ trong cụm, bởi hiện nay nhiều tuyến đường đã hư hỏng nặng, đi lại rất khó khăn, nhiều đơn vị thậm chí phải tự bỏ kinh phí ra để sửa chữa.

Ông Lý Chủ Phúc, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại đá bazan Đắk Mil cho biết, để đảm bảo quá trình sản xuất, đơn vị phải tự đầu tư, xử lý rất nhiều vấn đề; cụ thể, xử lý nước thải, tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và một số vấn đề liên quan.

Hệ thống điện cũng không thực sự ổn định và đã nhiều lần xảy ra sự cố gây ra rất nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nguy cơ tai nạn lao động.

Theo một số chủ doanh nghiệp, việc khu công nghiệp không có hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng “vô hiệu hóa” hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Đây là vấn đề khá nghiêm trọng, bởi khi xảy ra cháy, nổ thì các đơn vị chỉ có thể cầu cứu cảnh sát phòng cháy chữa cháy, việc xử lý tại chỗ gần như không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, khoảng tháng 7 hàng năm là cao điểm mùa mưa, việc Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An không có hệ thống thu gom nước mưa dẫn đến tình trạng nước chảy dồn về chỗ trũng và tràn vào vườn tược, nhà cửa, đường sá của các hộ dân xung quanh.

Mỗi lần như vậy là người dân lại tập trung phản đối, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liền kề với khu vực dân cư.

Ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Đắk Mil xác nhận những hạn chế, khó khăn về hạ tầng của Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An.

Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một ưu tiên của huyện nhưng chưa thực hiện được do thiếu vốn đầu tư.

Thực trạng hiện nay là cơ sở hạ tầng tại đây manh mún, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả và xuống cấp quá nhanh.

Liên quan đến vấn đề xử lý nước thải, ông Ngô Thanh Hải cho rằng các doanh nghiệp cần thực hiện đúng như cam kết bảo vệ môi trường khi hợp đồng thuê đất, đơn vị nào không làm đúng cam kết sẽ bị xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật.

Về lâu dài, huyện sẽ cân đối, xin kinh phí cấp trên để đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại đây.

Cụm công nghiệp -  Tiểu thủ công nghiệp Thuận An là cụm hoạt động hiệu quả nhất trong số 5 cụm công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông hiện nay với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 90%.

Cụm công nghiệp này nằm trên đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm huyện Đắk Mil khoảng 5km về phía Nam.

Các cụm còn lại đều bị bỏ hoang do không thu hút được doanh nghiệp đầu tư, hoạt động.

Một số cụm công nghiệp cũng bị người dân lấn chiếm đất đai để dựng nhà cửa, trồng các loại cây nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục