Doanh nghiệp hướng tới minh bạch để phòng chống tham nhũng

14:19' - 26/04/2017
BNEWS Theo Tổ chức Hướng tới minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp lớn nhất được đánh giá còn thấp.
Việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp lớn nhất được đánh giá còn thấp. Ảnh: Văn Giáp/ BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại công bố “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam tổ chức ngày 26/4 ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức này cho rằng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; trong đó có tiêu chuẩn về tính minh bạch ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi kinh doanh toàn cầu.

Khi doanh nghiệp cam kết công khai, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đó sẽ tăng lên, đồng thời tạo ra các tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, nhân viên trong nước và ở nước ngoài thông qua việc nhấn mạnh cam kết và sự ủng hộ của doanh nghiệp với những hành vi liên quan đến đạo đức kinh doanh. 

"Chương trình phòng chống tham nhũng nội bộ là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đối mặt với nguy cơ tham nhũng cũng như rủi ro về mặt pháp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của doanh nghiệp”, bà Viễn nhẫn mạnh. 

Theo Tổ chức Hướng tới minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp lớn nhất được đánh giá còn thấp. 

Có 7 trong số 30 doanh nghiệp công khai các cam kết tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Chỉ có 4 trên tổng số 30 doanh nghiệp công khai cam kết của lãnh đạo ủng hộ phòng, chống tham nhũng. Điều này gây ra một số băn khoăn, nghi ngại về cam kết của doanh nghiệp trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng. 

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI 2016) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016 dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy, Việt Nam đứng thứ 113/176 quốc gia đươc đánh giá. 

Gần đây, thực tiễn kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu đã nhận sự quan tâm và đánh giá cao của các bên liên quan như nhà đầu tư hay khách hàng. Một số doanh nghiệp chia sẻ rằng sau khi họ từ chối đưa hối lộ, chính doanh nghiệp của họ nhận được sự tôn trọng hơn từ đối tác. 

"Một số doanh nghiệp Việt Nam đạt điểm khá tốt trong đánh giá minh bạch trong cấu trúc và tỉ lệ sở hữu của doanh nghiệp; trong đó có hai doanh nghiệp đạt điểm tối đa 100%. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch", bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục