Đối thoại để "gần gũi" doanh nghiệp

15:23' - 25/04/2017
BNEWS Đối thoại là một trong những phương thức để tăng cường sự gắn bó giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp cho các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố bám sát hơi thở của doanh nghiệp.

Đối thoại để "gần gũi" doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Có lẽ chưa khi nào, vị thế của doanh nghiệp được nâng tầm và được coi trọng như thời gian gần đây. Nhất là trong năm qua và những năm sắp tới, Chính phủ chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực.

Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. 

Bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các quy trình, quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp ở hầu hết mọi lĩnh vực và quy mô hoạt động đều được tạo thuận lợi về chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng hay cơ chế thuế… Tuy nhiên, điều quan trọng là tiếng nói của doanh nghiệp đã được lắng nghe.

Chính quyền các địa phương, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tổ chức đối thoại; ghi nhận ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp về những bất cập, vướng mắc liên quan tới chính sách hay những khó khăn, thách thức do tác động từ tình hình kinh tế chung trong nước và quốc tế. 

Liên tục trong 3 năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Từ vị trí số 21 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, Vĩnh Long đã được nâng hạng lên vị trí số 19 vào năm 2015 và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI 2016. 

Đây cũng là 1 trong những "ngôi sao" mới nổi được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao về những nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay địa phương đang có 2.700 doanh nghiệp, chủ yếu với quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Để thực hiện chủ trương đổi mới của Chính phủ, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, Vĩnh Long đã đạt được một số tiến bộ trong lĩnh vực hành chính công, thuế và tín dụng ngân hàng, 

Đơn cử như nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết công vụ đối với người dân và doanh nghiệp; ban hành quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, duy trì cơ chế 1 cửa liên thông và quy định trách nhiệm cụ thể ở từng khâu và từng công việc đối với cán bộ công chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, 

Ông Trung bày tỏ, điều quan trọng hơn là chính quyền các cấp cùng lãnh đạo các sở, ngành liên tục tổ chức các đợt tiếp xúc với doanh nghiệp theo định kỳ 2 lần/năm và chưa kể đột xuất. Sau mỗi đợt tiếp xúc, không chỉ ghi nhận ý kiến đóng góp và phản ảnh từ doanh nghiệp mà 100% vấn đề cần xử lý, cần điều chỉnh cho phù hợp đã được chính quyền và các sở, ngành chức năng giải quyết dứt điểm, kịp thời nếu thuộc phạm vi và thẩm quyền. 

Những trường hợp liên quan tới chính sách của Trung ương thì địa phương ghi nhận và kiến nghị tới các cấp cao hơn. Đồng thời, có sự cam kết về thời hạn phản hồi với doanh nghiệp. Có lẽ, đó chính là lý do vì sao các doanh nghiệp địa phương luôn đặt niềm tin vào sự đồng hành của chính quyền tỉnh Vĩnh Long, ông Trung kết luận. 

Với Tp. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của đất nước lại có cách tiếp cận khác. Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp là việc làm hết sức cần thiết, nên cần được tổ chức thường xuyên từ thành phố đến cơ sở, không đợi tới chu kỳ, tới đợt mới làm. 

Đó là một trong những phương thức để tăng cường sự gắn bó giữa doanh nghiệp với chính dquyền, giúp cho các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố bám sát hơi thở của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, đây còn là một trong những giải pháp hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp. 

"Quan điểm của thành phố là luôn thẳng thắn và cởi mở với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp và vì doanh nghiệp; sẵn sàng lắng nghe và giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.", ông Phong nhấn mạnh. 

Các cơ quan, đơn vị và địa phương được thành phố giao nhiệm vụ phải trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, nhưng nếu cố tình kéo dài, trì hoãn việc trả lời doanh nghiệp là trái với chủ trương của thành phố và đi ngược lại quan điểm của Chính phủ. Nhất định, thành phố sẽ có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị quy phạm nội dung trên, ông Phong khẳng định. 

Đại diện từ doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc, Công ty đầu tư tài chính Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh nhận định, với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mà Chính phủ đề ra, các địa phương đã có nhiều hành động đột phá tạo nên những chuyển biến đáng kể. 

Có thể điểm qua như các chương trình kích cầu đầu tư, các dự án khởi nghiệp hay việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cắt giảm các quy trình, thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các chi phí không chính thức. 

Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông suốt và đồng bộ từ thành phố tới các cơ sở, hay như việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh... Tất cả đều cho thấy nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo để ngày càng “gần” dân hơn. 

Đáng ghi nhận hơn là thái độ “đồng hành” với doanh nghiệp để chia sẻ và lắng nghe những vấn đề đang khiến doanh nghiệp trăn trở, bức xúc và cần được được hỗ trợ. 

Với sự thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống công chức, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ; với sự sẵn sàng lắng nghe, thấu cảm của hệ thống chính quyền tới những vấn đề tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. 

Cùng với đó là sự cam kết hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, giúp vực đỡ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa... chừng đó cũng đủ để tạo dựng niềm tin rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân; để có thể hi vọng cho một tương lai không xa Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả, ông Thanh kết luận

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục