Doanh nghiệp làm gì để khắc phục tình trạng thiếu lao động?

10:50' - 16/11/2021
BNEWS Chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp hiện phải đối diện với nhiều thách thức để nhanh chóng ổn định hoạt động; trong đó, thiếu hụt lao động là nỗi lo không nhỏ.
 

 

Dịch COVID-19 đang dần được đẩy lui nhờ vào nỗ lực phủ rộng tiêm vaccine phòng ngừa cho số đông người dân đã dần phát huy hiệu quả. Chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện phải đối diện với nhiều thách thức để nhanh chóng ổn định hoạt động; trong đó, thiếu hụt lao động là nỗi lo không nhỏ.

Ông Nghiêm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất TOP cho biết, doanh nghiệp đang thiếu lao động thi công công trình do số đông nhân lực đều là người ngoại tỉnh. Thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội của Nhà nước, hầu hết đều đã xin nghỉ về quê vì e ngại địa phương đóng cửa, phong tỏa. Tới nay, mặc dù, lệnh giãn cách đã được gỡ bỏ, người lao động cũng lác đác quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giải quyết các đơn hàng cũng những hợp đồng bị dồn ứ trong khoảng thời gian giãn cách đang là vấn đề khó khăn; nhất là khi nguồn nhân lực hiện hữu thì chưa đủ quân số, mà việc tuyển thêm lao động thì chưa thể tiến hành trong một sớm một chiều.

Trước thực trạng này, công ty đang phải chia nhỏ các phần việc; đồng thời, tổ chức thuê ngoài một số dịch vụ để đáp ứng yêu cầu về tiến độ và thời gian theo cam kết với khách hàng. Tất nhiên, giải pháp này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu, tới doanh số và lương, thưởng, thù lao của người lao động.

“Doanh nghiệp cũng mong muốn, vấn đề khó khăn này sẽ nhanh chóng được khắc phục khi người lao động tại các địa phương được tổ chức tiêm phòng vaccine sớm và đầy đủ theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng nghiêm túc triển khai chính sách mở cửa để tạo điều kiện cho người dân di chuyển thuận lợi; cho việc thông thương, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng và thông thoáng hơn”, ông Tuấn cho hay.

Ở góc nhìn rộng hơn, TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản... hiện đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Đặc biệt, như ngành chế biến gỗ vốn là ngành sử dụng chủ yếu lao động phổ thông, thậm chí lao động dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuộc các ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng lớn nhưng đây là ngành có thể dễ khôi phục hơn, thu hút lao động trở lại nếu thị trường được tái mở cửa.

Ngoài phạm vi ngành, mức độ ảnh hưởng còn được xét theo loại hình doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp tư nhân đơn lẻ quy mô vừa và nhỏ chịu tác động thiếu hụt lao động lớn hơn các doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất, nhà máy ở các khu vực khác nhau. Ví dụ cùng trong ngành dệt may, các nhà máy của doanh nghiệp nhỏ thường rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng hơn doanh nghiệp FDI cùng lĩnh vực, bởi vậy khó khôi phục sản xuất ngay.

Tính đến thời điểm hiện tại, 50-80% khu chế xuất phía Nam đã khôi phục sản xuất với số lao động trở lại làm việc đạt từ 70-75% theo nguồn tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Như vậy thực tế sản xuất đã khôi phục nhưng bền vững hay không thì chưa chắc chắn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp.

Thêm nữa, các doanh nghiệp cũng đang phải chi phí lớn cho mô hình 3 tại chỗ hay phải làm xét nghiệm COVID-19 thường xuyên và liên tục dẫn tới những khó khăn trong việc phục hồi thị trường lao động. Do đó, rất cần những giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt tại các doanh nghiệp.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế, đồng thời tạo nên những thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại và tương lai.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế bị ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động là điều dễ hiểu. Ngược lại, khi vaccine đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến việc tăng cao nhu cầu lao động, việc thiếu hụt lao động cũng có thể xảy ra.

Với Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12/10 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã tạo khung khổ chính sách nhất quán để thực hiện, tránh cát cứ, cục bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt.

Cũng tại Nghị quyết 128, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề và phát triển thị trường lao động, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời điểm căng thẳng của những tháng cuối năm, khi mà đa số doanh nghiệp đang phải căng sức và tăng năng suất lao động để hoàn thành các kế hoạch mục tiêu, ông Trương Anh Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần sớm có phương án ứng phó với tình trạng thiếu nhân công lao động; đồng thời, tìm giải pháp bù đắp bằng cách tuyển thêm và tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động hiện có.

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ sở giáo dục và hướng nghiệp cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, tái đào tạo cho người lao động được thực hành, thực tập. Qua đào tạo nghề nghiệp, sẽ góp phần khôi phục thị trường lao động và giải quyết sớm thách thức về con người, về nguồn nhân lực hiện nay./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục