Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ thủ tục, quỹ đất sạch để xây nhà ở xã hội

14:10' - 22/02/2024
BNEWS Nhiều doanh nghiệp đang tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về thủ tục và quỹ đất sạch để gia tăng nguồn cung cho phân khúc này.

Tham dự hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức, nhiều doanh nghiệp đang tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về thủ tục và quỹ đất sạch.

Ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) cho biết, hiện doanh nghiệp này đang triển khai trên 10 nghìn căn hộ nhà ở xã hội tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, từ triển khai thực tế, ông Hoa cho rằng, các thủ tục đầu tư dành cho dự án nhà ở xã hội cần đơn giản, nhanh gọn hơn nữa.

Thậm chí, thủ tục dành cho dự án nhà ở xã hội cần bằng hoặc nhanh hơn so với dự án nhà ở thương mại thì mới khuyến khích được doanh nghiệp tham gia phát triển  phân khúc nhà ở này. Nhất là về phê duyệt quy hoạch chi tiết cần làm nhanh hơn hoặc song song với quy hoạch phân khu để các dự án có thể triển khai nhanh – ông Hoa đề xuất. Hiện các thủ tục xét duyệt để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về đất cũng mất rất nhiều thời gian hay kể cả việc xét đối tượng thụ hưởng quỹ nhà này cũng vậy.

Thêm một nội dung nữa được các doanh nghiệp quan tâm đó là về suất đầu tư dành cho nhà ở xã hội. Nếu muốn đảm bảo chất lượng tốt, xây dựng những khu nhà ở xã hội kiểu mẫu thì suất đầu tư cần tăng thêm.

Các doanh nghiệp phản ánh, từ năm 2021 trở về trước, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở thương mại của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, ngày 13 tháng 7 năm 2022, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 610/QĐ-BXD về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2021.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành khung suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình nhà ở xã hội dạng chung cư. Qua rà soát, suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội thấp hơn suất vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư thương mại khoảng 25%.

Như vậy, các dự án nhà ở xã hội triển khai xây dựng từ năm 2021 sẽ tham khảo, vận dụng suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành khi xây dựng phương án giá, theo đó suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại.

Liên quan đến nội dung này, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cho rằng, lợi nhuận tối đa xây dựng nhà ở xã hội là 10% nhưng vẫn cần các tiện ích xã hội như hầm, công trình công cộng, bãi đỗ xe... vẫn cần có. Do đó, cần điều chỉnh, cân đối lại suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đang thấp hơn 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại) lên mức tương đương với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại...

Ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp này đã hoàn thành trên 10 dự án nhà ở xã hội; đã bàn giao và đang vận hành hơn 10 nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhn trên toàn quốc. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu thực hiện 12 dự án nhà ở xã hội; trong đó, bàn giao 3.000 căn nhà ở xã hội tại các tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long...

“Chưa bao giờ nhà ở xã hội được Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương quan tâm, tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi như hiện nay. Đây là định hướng rất tốt, được cả xã hội đón nhận. Hưởng ứng Đề án của Chính phủ, Công ty Hoàng Quân đã gửi văn bản cho 38 tỉnh, thành để đăng ký phát triển nhà ở xã hội” – ông Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng phản ánh, vướng mắc vẫn còn đối với nhà ở cho công nhân bởi họ có nhu cầu thuê nhiều hơn mua. Vì vậy, chính sách xét duyệt cần linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn để tránh tình trạng xây ra mà không có người mua trong khi người có nhu cầu lại không được đáp ứng. Cùng đó, cần tạo thêm nguồn lực phát triển nhà ở công nhân.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera – đơn vị tiên phong dẫn đầu trong phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cho biết, hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành khoảng 8 nghìn căn hộ nhà ở xã hội và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch để xây dựng tiếp 9 nghìn căn hộ nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Ngọc Anh phản ánh, hiện doanh nghiệp vẫn tồn kho 3 nghìn căn trong tổng số 8 nghìn căn đã hoàn thành và chủ yếu là dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp. Dù các sản phẩm được đầu tư đồng bộ, giá bán và giá cho thuê khá hợp lý nhưng vẫn vướng một số quy định.

Cụ thể là tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư quy định chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua sản phẩm này. Do đó, người cần vẫn không được mua nhà trong khi căn hộ nhà ở cho công nhân lại vẫn “ế”. Bởi vậy, ông Ngọc Anh kiến nghị, cơ quan chức năng cần điều chỉnh cho phép các địa phương mở rộng đối tượng thụ hưởng nhà ở công nhân.

Là doanh nghiệp dẫn đầu trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) Nguyễn Văn Thanh Huy - chia sẻ, doanh nghiệp đã triển khai khoảng 200 ha đất xây dựng phân khúc nhà ở này.

Mục đích của Becamex trong thời gian tới là để người lao động được sở hữu nhà ở, thay vì phải thuê. Họ có thể dùng tiền thuê nhà hàng tháng trả để trả dần khoản mua nhà. Điều này sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động, thêm gắn bó với doanh nghiệp.

Hiện nay Becamex đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội nhưng sẽ triển khai dần theo nhu cầu thực tế; trước mắt, trong quý I/2024 Becamex sẽ thực hiện khoảng 1.800 căn. Nếu được tạo thuận lợi về quỹ đất các dự án sẽ làm rất nhanh, giá thành tốt.

Cùng chung quan điểm, ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch Tập đoàn Lan Hưng nhận xét, nếu muốn làm nhà ở xã hội mà không quyết liệt, không tạo được quỹ đất sạch thì rất khó triển khai khi thực hiện. Từ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp, ông Toàn chia sẻ, từ năm 2017, Tập đoàn Lan Hưng đã tới 38 tỉnh, thành đề nghị được tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội nhưng cuối cùng chỉ trụ lại được ở 11 địa phương.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị, UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120 nghìn tỷ đồng để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Với những dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý (thủ tục giao đất; lập hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cấp phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công công trình) để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp, công bố công khai các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết, đăng ký và thực hiện việc theo dõi, giám sát.

Cùng với việc khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng yêu cầu chủ động trong rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục