Doanh nghiệp Mỹ có xu hướng chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ

17:29' - 25/01/2024
BNEWS Các công ty Mỹ ngày càng có xu hướng chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ khi xây dựng chuỗi cung ứng ổn định và bền vững.

Sức hấp dẫn của Ấn Độ

Theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu thị trường OnePoll (Anh), 61% trong số 500 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho biết họ sẽ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả hai nước có thể sản xuất cùng một loại nguyên liệu, trong khi 56% số doanh nhân được hỏi tỏ ra hứng thú với Ấn Độ để phục vụ nhu cầu chuỗi cung ứng trong vòng 5 năm tới.

 

Cuộc khảo sát trên còn cho thấy 59% số người được hỏi cho rằng việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc là “hơi rủi ro” hoặc “rất rủi ro”, cao hơn so với tỷ lệ 39% của Ấn Độ.

Ông Samir Kapadia, Giám đốc điều hành của India Index và quản lý tại Vongel Group, cho rằng các công ty đang coi Ấn Độ là một chiến lược đầu tư dài hạn chứ không phải là một trục ngắn hạn để tránh thuế quan.

Mối quan hệ khởi sắc hơn giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm khuyến khích các công ty Mỹ đa dạng hóa thị trường cũng đã khiến Ấn Độ trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Ấn Độ đã chứng kiến một loạt thông báo về đầu tư vào nước này trong thời gian gần đây.

Đầu tháng này, Maruti Suzuki tuyên bố sẽ đầu tư 4,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ hai tại nước này.

Rủi ro vẫn còn

Bất chấp sự lạc quan, các công ty Mỹ vẫn thận trọng với năng lực về cung ứng của Ấn Độ. Cuộc khảo sát cho thấy 55% số người được hỏi nhận thấy đảm bảo chất lượng là “rủi ro trung bình” mà họ có thể gặp phải nếu có nhà máy ở Ấn Độ.

Vào tháng Chín, Pegatron, nhà cung cấp của Apple đã phải tạm ngừng hoạt động nhà máy tại khu vực Chengalpattu gần Chennai sau khi một đám cháy bùng phát. Rủi ro giao hàng (48%) và trộm cắp IP (48%) cũng là mối lo ngại đối với các công ty Mỹ đang nhắm đến thị trường Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cấp cao và trưởng nhóm nghiên cứu về thương mại và kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nam Á, cho rằng việc chuyển hoàn toàn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là không thể. Đồng quan điểm, ông Kapadia đánh giá Trung Quốc sẽ luôn là nền tảng trong chiến lược chuỗi cung ứng của Mỹ.

Ông Raymund Chao, người phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc của PwC, cho biết đầu tư vào Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và quốc gia này vẫn là “lựa chọn thứ hai” cho các khoản đầu tư sau Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục