Doanh nghiệp ngành công nghiệp cần thêm trợ lực để bứt phá

15:50' - 04/07/2024
BNEWS Doanh nghiệp cần thêm những giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường, đặc biệt với khối xuất khẩu chủ lực như ô tô, cơ khí, thép, dệt may, da giày…

Mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 6 và công nghiệp quý II/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý I/2024, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 8,55% so với cùng kỳ năm trước, song nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, để thực sự phát triển và bứt phá, vẫn cần thêm các giải pháp để tạo đà tăng trưởng cuối năm.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may hiện đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

“Dựa trên những tín hiệu đã có, đặc biệt là tình hình hình đơn hàng về nhiều vào quý III và quý IV, kết hợp cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023. Riêng với Tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng”, ông Hiếu nhận định.

 

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho rằng, nhờ một số tín hiệu tích cực như kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng…, dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục, tạo tiền đề phát triển mạnh hơn trong năm sau.

Bên cạnh đó, những chính sách và một số luật mới như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu áp dụng sớm sẽ là một trong những yếu tố góp phần cải thiện nhu cầu cho lĩnh vực bất động sản nửa cuối năm.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, sản xuất và bán hàng ngành cơ khí chế tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, doanh nghiệp nhìn chung đã có đơn hàng.

Tuy vậy, vị này cũng cho rằng, bản chất của tăng trưởng vẫn chưa tập trung ở khối doanh nghiệp trong nước. Vướng mắc hiện nay là nội lực của doanh nghiệp vẫn còn yếu, xuất khẩu vẫn chủ yếu tập trung ở khối nước ngoài với 70% kim ngạch, đặc biệt với các ngành như điện tử, chế tạo.

Trao đổi thêm về những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho hay, mặc dù là một trong những ngành mũi nhọn, nhưng ngành điện tử, máy tính, linh kiện Việt Nam lại phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Điều này xuất phát từ tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.

Đại diện các ngành hàng, chuyên gia đều nhận định rằng, cần thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường, đặc biệt với khối xuất khẩu chủ lực như ô tô, cơ khí, thép, dệt may, da giày…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, để tiếp đà tăng trưởng cho cuối năm, doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ về thuế, lãi suất,.. nhưng quan trọng hơn là các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu; có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ở mức cao hơn là chỉ gia công vật liệu giá trị thấp.

Nhằm hỗ trợ cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Trong dài hạn, sẽ thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Rõ ràng, để xây dựng doanh nghiệp, ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, đủ lớn mạnh để vươn tới sản xuất chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn, cần những cú hích cho doanh nghiệp nội địa, từ công nghệ, thị trường, tín dụng... Điều này ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kết nối của hiệp hội ngành hàng thì không thể thiếu bàn tay hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: thép thanh, thép góc tăng 34,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,4%; thép cán tăng 17,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; điện sản xuất tăng 12,2%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục