Doanh nghiệp ngành gỗ trước thách thức thâm nhập thị trường EU

20:02' - 13/06/2017
BNEWS Việc hội nhập sâu vào thị trường EU này đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Doanh nghiệp ngành gỗ trước thách thức thâm nhập thị trường EU. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường lớn của ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Tuy nhiên việc hội nhập sâu vào thị trường này đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào thị trường châu Âu” do Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) tổ chức ngày 13/6, tại Tp. Hồ Chí Minh. 

 Không ít rào cản 

EU hiện là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam, đạt hơn 740 triệu USD trong năm 2016.

Trong năm 2017, triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tại thị trường châu Âu được dự báo tăng trưởng khả quan hơn nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5/2017.

Theo các chuyên gia, đây là nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị trao đổi thương mại đối với các mặt hàng chủ lực, trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ.

Cụ thể, thuế nhập khẩu ván ép và các sản phẩm tương tự sẽ loại bỏ thuế quan trong 3 - 5 năm; sản phẩm nội ngoại thất, mức thuế từ 2,7 - 5,7% hiện nay cũng sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm thuế quan từ EVFTA không tác động nhiều đến việc thúc đẩy thương mại ngành gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam vào EU.

Vì trên thực tế, EU đã áp dụng thuế nhập khẩu 0% cho hấu hết các sản phẩm gỗ, đồ gỗ từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU không lớn, ngược lại doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi muốn thâm nhập thị trường này.

Bà Jana Hereg, đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EVFTA không đơn thuần xóa bỏ thuế quan mà chú trọng nhiều đến việc giải quyết các rào cản kỹ thuật nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đồng thời tập trung bảo vệ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.

Mặc dù, ngành gỗ Việt Nam đã tạo được chỗ đứng nhất định về mặt kỹ thuật, tuy nhiên các nhà nhập khẩu châu Âu hiện đang quan ngại về vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tính bền vững và đặc biệt là việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, bà JanaHereg nói.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ chia sẻ, truy xuất nguồn gốc gỗ và các trách nhiệm xã hội đang là vướng mắc lớn của doanh nghiệp. Trong đó, quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp còn phức tạp, kể cả các nguyên liệu gỗ trồng như: cao su, tràm... 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa biết phải đến cơ quan, tổ chức nào để xin cấp các chứng nhận về nguồn gốc gỗ hay những tiêu chuẩn nào có thể đáp ứng được tiêu chí về môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho rằng, khi hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều áp lực trong việc thực hiện các quy định về chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ cũng như các tiêu chuẩn về mặt trách nhiệm xã hội, sự thân thiện với môi trường.

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam chỉ tập trung vào việc sản xuất tại xưởng mà chưa chú ý đến quy trình quản lý cũng như kiểm soát nguồn gốc, tính hợp pháp của nguyên liệu cũng như các yếu tố về đời sống của người lao động...

Ông Johannes Schwegler, chuyên gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) thông tin thêm, một trong những thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay là sự thay đổi trong lựa chọn sản phẩm đồ gỗ chế biến của người tiêu dùng châu Âu.

Theo đó, người tiêu dùng châu Âu có xu hướng chuyển qua sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, nhưng lại không sẵn sàng chi trả nhiều tiền.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường EU không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ mà còn chịu sức ép từ các khu vực sản xuất đồ gỗ mới nổi như: Đông Âu, châu Phi,... trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. 

Giải pháp nào cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam 

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, đồ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, EU là thị trường mang tính then chốt trong chiến lực phát triển lâu dài của các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, khi đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, các sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính khác, thậm chí có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chung của thế giới. Do đó, việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU là bài toán mà các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam phải nhanh chóng tìm ra lời giải.

Bà Bùi Thị Việt Anh, Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phải chủ động nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, nắm bắt các tiêu chuẩn của EU và tìm giải pháp đáp ứng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình.

Trong đó, các doanh nghiệp phải xây dựng được quy trình kiểm soát chất lượng, kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong toàn bộ quy trình sản xuất. Ngoài ra, đối với yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu, doanh nghiệp nên tiếp cận các nguồn gỗ có mức rủi ro thấp, được chứng nhận về xuất xứ...

Theo bà Bùi Thị Việt Anh, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên có kế hoạch đầu tư lâu dài từ việc trồng rừng, khai thác và sử dụng hiệu quả các vùng nguyên liệu trong nước để chủ động trong việc chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải tiến công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc công ty Minh Phát (Bình Dương) cho biết, các yêu cầu của nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đều hướng đến mục tiêu duy trì sự phát triển và hợp tác một cách lâu dài.

Do đó, các doanh nghiệp nên chủ động nhìn nhận việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng môi trường, đời sống của lao động chính là xây dựng các giá trị cốt lõi và tạo dựng được uy tín, thương hiệu của mình đối với đối tác.

Theo ông Hiệp, việc tuân thủ các quy trình về kiểm soát chất lượng sản phẩm và các yêu cầu mang tính xã hội đã giúp doanh nghiệp hoạt động một cách hệ thống, hiệu quả và kết quả nhận được chính là sự trở lại hợp tác của rất nhiều khách hàng.

Còn ông Nicolas Audier, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng, ngành chế biến gỗ Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cả về tay nghề thiết kế lẫn khả năng nắm bắt các yêu cầu cũng như xu hướng mới của thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nên tăng cường việc liên kết, đa dạng hóa sản xuất và đầu tư vào công nghệ để gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu cũng như giảm giá thành sản phẩm nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như tiến sâu hơn vào các thị trường tiêu dùng đồ gỗ lớn trên thế giới, ông Nicolas Audier gợi ý./.

>>>Kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt mức kỷ lục trong năm 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục