Doanh nghiệp, nhà bán lẻ thực hiện giảm thu nhằm bình ổn thị trường
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp kéo theo việc chính quyền các địa phương phải siết chặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch, kéo dài thời gian giãn cách xã hội như tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh…
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng như hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng, đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ, duy trì hoạt động không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Gỡ khó trong lưu thông
Vừa qua, một số địa phương yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR, không chấp nhận khi chỉ có giấy test nhanh COVID-19 đối với lái xe khi qua chốt là vượt quá quy định. Ngoài ra, có địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 chỉ 24 giờ hay 48 giờ đều không đúng quy định, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Chính vì vậy, trong ngày 20/8, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp trực tuyến với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát Giao thông – Bộ Công an, Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế và 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ về việc phối hợp trong lưu thông vận chuyển hàng hóa, thu hoạch nông sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác phía Nam của Bộ đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn Bộ Giao thông Vận tải và các bộ đã giúp giải quyết tháo gỡ những ách tắc giao thông ở một số công đoạn còn tồn tại.
Các đơn vị của các bộ đã giúp cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiểu thêm vai trò và trách nhiệm của mình, phối hợp chặt với Sở Giao thông Vận tải các địa phương giải quyết những vấn đề ách tắc trong vận chuyển nông sản từ nội tỉnh hay ranh giới giữa các tỉnh.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn 690 nghìn ha lúa Hè Thu, thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9. Việc thu hoạch lúa, nhất là đối với lúa Hè Thu không để chậm trễ vì đang mùa mưa, hạt thóc sẽ nhanh hư hỏng. Do vậy, vấn đề vận chuyển và đưa nhân công, máy móc thu hoạch rất quan trọng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân trong việc thu hoạch, tiêu thụ toàn bộ diện tích lúa Hè Thu.
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng đơn vị đã kịp thời thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa Hè Thu; đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu, thu mua sản phẩm nông sản và phân công các bộ phận, đơn vị chuyên môn làm đầu mối hỗ trợ thương lái, doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trong điều kiện đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa
Ngay sau khi có thông tin yêu cầu người dân Tp. Hồ Chí Minh bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - áp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã thị trấn” từ ngày 23/8/2021, người dân Tp.Hồ Chí Minh đã tăng mua sắm dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Theo một số nhà bán lẻ dự báo, từ nay đến hết ngày 23/8/2021, sức mua trên thị trường tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh có khả năng tăng cao và người dân thành phố tiếp tục đổ về hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ...
Chính vì vậy, đơn vị kinh doanh khẩn trương tăng nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và tập trung nguồn nhân lực, đảm bản an toàn và an ninh trật tự tại điểm bán, nhất là biện pháp phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện “5K + vaccine + thuốc uống ”, không tập trung mua gom hàng hóa, thực phẩm.
Chính quyền và sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc Tp. Hồ Chí Minh liên tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến việc kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng trở nên khó khăn.
Để duy trì chuỗi cung ứng và bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã thực hiện giảm thu nhằm bình ổn thị trường.
Thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho thấy, kể từ khi dịch bùng phát, hệ thống bán lẻ này đã thực hiện trợ giá nhiều mặt hàng cho người tiêu dùng và bù lỗ cho nhiều chi phí phát sinh để phục vụ nhu cầu mua sắm tiết kiệm của người dân trong tình hình dịch bệnh.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh; UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện phiếu đi mua nhu yếu phẩm cho người dân trên toàn địa bàn cũng như phối hợp liên ngành tăng cường giải pháp đưa nhu yếu phẩm vào khu dân cư.
Duy trì chuỗi sản xuất
Những tháng qua, dịch COVID-19 lây lan rộng ở Đồng Nai – địa phương có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất ở Việt Nam. Thực hiện phòng, chống dịch, việc tạm ngưng hoạt động tại các nhà máy là cần thiết.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Đồng Nai sản xuất hàng để xuất khẩu, hoạt động của họ có liên quan mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Để giải bài bài toán vừa chống dịch vừa sản xuất, ngành chức năng Đồng Nai cho phép doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Phương án này tuy có phát sinh bất cập, song vẫn là tối ưu trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hầu hết doanh nghiệp ở Đồng Nai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu, quá trình sản xuất kinh doanh liên quan mật thiết với nhiều đối tác, chuỗi cung ứng trên thế giới.
Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn được hoạt động vì ngoài vấn đề lợi nhuận còn liên quan đến các đơn hàng, duy trì chuỗi sản xuất. Về phía người lao động cũng muốn được làm việc để đảm bảo thu nhập.
Ông Cao Tiến Dũng chia sẻ, mục tiêu cao nhất của Đồng Nai lúc này là phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, đảm bảo sự vận hành liên tục của nền kinh tế. Nếu kinh tế ngưng trệ, hàng loạt vấn đề xã hội sẽ phát sinh, gây ra những hệ lụy lâu dài.
Doanh nghiệp đã tin tưởng, đầu tư hàng chục tỷ USD vào Đồng Nai, chính quyền có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc, đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy, cũng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Trong khi đó, tại Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có những ý kiến đề xuất nhằm duy trì chuỗi sản xuất.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết phối hợp với Chính phủ Việt Nam và Tp. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch với “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển phục hồi kinh tế nhằm bảo vệ đời sống người dân và an toàn xã hội.
Mặc dù các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đã mang lại hiệu quả tạm thời, nhưng không bền vững từ quan điểm sức khỏe, an toàn, chi phí. Vì vậy, Amcham đề xuất Tp.Hồ Chí Minh xem xét thí điểm cho phép những công nhân đã được tiêm vaccine áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến” bao gồm cả việc công nhân đi làm từ nhà riêng, kiểm soát bằng cách test nhanh thường xuyên như đề xuất trước đó của các doanh nghiệp tại khu công nghệ cao, nếu hiệu quả sẽ mở rộng cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp khác…/.
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Không để việc kiểm dịch làm tắc “luồng xanh” quốc gia
21:13' - 20/08/2021
Hiện vẫn có một số tài xế có thẻ ưu tiên “luồng xanh” chạy vào nội đô giao nhận hàng hóa mà không khai báo thông tin theo quy định, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh của địa phương.
-
Kinh tế & Xã hội
TP. HCM bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân
20:14' - 20/08/2021
Cùng với chống dịch, các lực lượng phải lưu ý nhiệm vụ an dân, thông qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm, thuốc men đến tận nhà cho từng người dân.
-
Kinh tế Việt Nam
Nhận diện xe “luồng xanh”: Giải quyết ách tắc giao thông tại các cửa ngõ Hà Nội
19:16' - 20/08/2021
Để kiểm soát lượng xe "luồng xanh" và người dân ra, vào Hà Nội chặt chẽ, Công an Tp. Hà Nội đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành lập 22 chốt kiểm soát tất cả các cửa ngõ ra, vào thành phố.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội cho Trung tâm tài chính, nhưng phải có kiểm soát
21:05' - 21/02/2025
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Đẩy nhanh tiến độ dự án Lô B-Ô Môn để có dòng khí đầu tiên vào tháng 8/2027
18:37' - 21/02/2025
Petrovietnam và các nhà đầu tư, các nhà thầu đang hợp tác chặt chẽ với tinh thần "một đội ngũ, một mục tiêu" để hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2 năm 2025 của dự án phát triển mỏ khí Lô B-Ô Môn.
-
Kinh tế Việt Nam
Chuẩn bị khởi công Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên
17:49' - 21/02/2025
Dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên là Dự án rất quan trọng trong việc truyền tải điện mua từ Trung Quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh chậm tiến độ do thiếu nguồn cát
16:14' - 21/02/2025
Hiện nay, dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh đang gặp khó khăn là nguồn cát đắp nền đường khan hiếm, còn thiếu khoảng 54.500 m3.
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng tốc thi công Dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Liên – Túy Loan
16:08' - 21/02/2025
Các nhà thầu đang tích cực thi công, mục tiêu đến tháng 8/2025 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị
16:08' - 21/02/2025
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km và phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
-
Kinh tế Việt Nam
Vụ Sài Gòn - Đại Ninh: Tập đoàn Novaland kháng cáo xin tiếp tục được thực hiện dự án
16:01' - 21/02/2025
Tập đoàn Novaland kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm, trong đó, không kiến nghị thu hồi Dự án Đại Ninh mà giao cho các bên liên quan được tiếp tục thực hiện Dự án.
-
Kinh tế Việt Nam
Vận hành an toàn lưới truyền tải điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên
15:29' - 21/02/2025
Mùa khô hàng năm vẫn được đánh giá là một trong những mùa áp lực về cung cấp điện rất lớn, không chỉ trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mà còn trên địa bàn cả nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Rosatom giới thiệu công nghệ tương lai tiềm năng cho hợp tác với Việt Nam
15:03' - 21/02/2025
Hiện nay tại Rosatom đang phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ lượng tử trong lĩnh vực điện hạt nhân.