Doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi ngân sách bổ sung lớn để kích thích kinh tế

15:58' - 14/10/2021
BNEWS Theo khảo sát của Reuters, phần lớn các công ty Nhật Bản muốn chính phủ xây dựng ngân sách bổ sung trị giá 10.000 tỷ yen (khoảng 90 tỷ USD) trở lên nhằm xoa dịu tác động của đại dịch COVID-19.

Theo kết quả một khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), phần lớn các công ty Nhật Bản muốn chính phủ xây dựng một ngân sách bổ sung trị giá 10.000 tỷ yen (tương đương khoảng 90 tỷ USD) trở lên nhằm xoa dịu tác động của đại dịch COVID-19.

Kết quả này là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của giới doanh nghiệp Nhật Bản đối với các kế hoạch kích thích bổ sung của tân Thủ tướng Fumio Kishida.

Khảo sát Doanh nghiệp của Reuters cho thấy 87% các công ty tham gia khảo sát hối thúc chính phủ đưa ra một ngân sách bổ sung lớn để chi cho các biện pháp kích thích, trong đó 40% yêu cầu một ngân sách từ 10.000-20.000 tỷ yen và 23% kêu gọi một ngân sách từ 20.000-30.000 tỷ yen hoặc thậm chí là cao hơn.

Trong kết quả khảo sát, 50% các công ty chọn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 là hạng mục chi tiêu hàng đầu, tiếp sau là 15% tìm kiếm hỗ trợ cho các nhà hàng và ngành du lịch, 12% kêu gọi các biện pháp bảo vệ môi trường, và 10% yêu cầu chi cho chuyển đổi số.

Nhiều công ty cũng kêu gọi các biện pháp nhằm tăng cường chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất chip và thúc đẩy tự động hóa tại các nhà máy, cũng như sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để khuyến khích các nhà chế tạo Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất về nước.

Về các nền kinh tế nước ngoài, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, giữa lúc thị trường vẫn còn lo ngại về khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande và những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản.

Kết quả Khảo sát Doanh nghiệp nói trên được công bố trong bối cảnh tân Thủ tướng Kishida đã yêu cầu nôi các của ông xây dựng một gói kích thích kinh tế hướng đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Ông Kishida đã cam kết sẽ đưa ra các biện pháp kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen” để vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, vốn đang phải “vật lộn” với khối nợ lớn nhất trong số các nước phát triển. Nợ của Nhật Bản hiện cao gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục