Doanh nghiệp Pháp lạc quan thận trọng về triển vọng năm 2021

06:30' - 28/03/2021
BNEWS Trải qua nhiều thăng trầm trong năm 2020 do dịch COVID-19, từ phong tỏa, gỡ phong tỏa, giới nghiêm rồi đến tái phong tỏa, các công ty lớn của Pháp khởi đầu năm 2021 với sự quyết tâm và tự tin.

 

Việc làm, hoạt động, đầu tư... sẽ là một trong những sức bật cho các công ty lớn của "đất nước hình lục lăng".

Theo Gilles Bonnenfant, Chủ tịch tập đoàn Eurogroup Consulting, năm 2021 sẽ là năm của sự phục hồi. Gần 7 trong số 10 nhà quản lý đều tỏ ra lạc quan. Sự lạc quan này dựa trên cơ sở Nhà nước đã thiết lập các mạng lưới an toàn hiệu quả. 

Hơn nữa, trước cuộc khủng hoảng hầu hết các công ty lớn đều ở trong tình trạng tài chính an toàn và dư thừa. Thậm chí, các nhà quản lý còn coi đây là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và môi trường của doanh nghiệp của mình.

Triển vọng thoát khỏi khủng hoảng từ mùa Hè 

Đây chính là vấn đề đặt điều kiện cho quỹ đạo phục hồi của nền kinh tế Pháp, vì chỉ khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát các doanh nghiệp mới xem xét đến các dự án tuyển dụng lao động và đầu tư từng bị quên lãng. 

Gần một nửa số giám đốc điều hành dự đoán doanh nghiệp của họ có thể thoát khỏi khủng hoảng vào mùa Hè năm 2021. Trong khi đó, chỉ 8% công ty Pháp dự báo nền kinh tế sẽ thoát khỏi khủng hoảng trong năm nay. 

10% công ty dự đoán sẽ không có sự cải thiện nào trước năm 2023. Đây là những công ty thuộc các lĩnh vực thực sự bị ảnh hưởng do khủng hoảng như: khách sạn, nhà hàng, sự kiện, du lịch, vận tải, giải trí và văn hóa...). Số còn lại dự báo chỉ trong năm 2022, nền kinh tế Pháp nói chung mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Đầu tư giảm nhưng không đóng băng hoàn toàn

Bằng chứng là số đơn đặt hàng vẫn tương đối nhiều và biến động tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Triển vọng về hoạt động trong năm 2021 sáng sủa hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng châu Âu năm 2011 và cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2015.

Hoạt động sản xuất ở Pháp bị suy giảm nhiều hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế (thất nghiệp một phần, các khoản vay được nhà nước bảo lãnh...), lợi nhuận ở Pháp sẽ ít bị suy giảm hơn so với các nước còn lại trên thế giới. Kết quả là các dự án đầu tư hầu như ít tham vọng hơn so với năm 2018 và 2019, kể cả các dự án trên lãnh thổ Pháp.

Gia tăng sự nhanh nhạy và đề phòng rủi ro

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nổi bật những rủi ro đối với doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đầy đủ. Đặc biệt là những điểm yếu khi các chuỗi sản xuất bị phá vỡ. 

Các rủi ro địa chính trị được đề cập hàng năm (chiến tranh, đảo chính, đình công và biểu tình, thay đổi quy định...) luôn được chú ý đến. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng hiện được coi là nguy hiểm hơn đối với sự bền vững của doanh nghiệp. Cứ 2 doanh nghiệp thì có hơn 1 coi rủi ro mạng là nhân tố chính gây bất ổn. Và doanh nghiệp càng lớn thì yếu tố này càng quan trọng. 

Điều đáng lo ngại trong năm nay không chỉ là dịch COVID-19, mà còn là những tác động kinh tế, tài chính và xã hội của dịch bệnh này. Mong muốn đề phòng các nguy cơ về y tế có thể làm gián đoạn chuỗi sản xuất quốc tế kéo theo tình trạng tập trung vào các lĩnh vực an toàn và ổn định nhất. Đó không phải là sự kết thúc của toàn cầu hóa mà là sự di dời các hoạt động sản xuất và nhà thầu phụ trên quy mô toàn châu lục.

Nhìn chung, quản lý sự không chắc chắn và mối lo về lợi nhuận sẽ chi phối tất cả các thách thức khác. Do đó, ưu tiên hàng đầu là giảm chi phí, đặc biệt là bất động sản và tăng cường khả năng phản ứng với rủi ro của tổ chức, thông qua số hóa.

Chuyên gia Luc Bretonnes, nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp quốc tế Nextgen 2020 tại Pháp, nhấn mạnh điều quan trọng nhất là, từ CEO đến nhân viên, các mục tiêu và giá trị đều thống nhất để duy trì sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp, ngay cả khi doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào làm việc từ xa.

Sẽ không thể quay lại trạng thái như trước đây

Làm việc từ xa, quản lý từ xa dựa trên sự tin tưởng và ủy quyền, bán hàng trực tuyến, thủ tục đơn giản hóa và quy trình ra quyết định rút gọn trở nên ngày càng phổ biến. Cứ 8 trong số 10 nhà quản lý coi sự thích nghi trước đại dịch COVID-19 là bền vững.

Một điều chắc chắn là thế giới sẽ không trở lại trạng thái trước đây. Gilles Bonnenfant, người đứng đầu Eurogroup Consulting, cho rằng bài học đầu tiên mà các ông chủ rút ra từ cuộc khủng hoảng y tế này trước hết là tổ chức trước khi đưa ra chiến lược.

Còn Thierry Malleret, Phó giám đốc của Monthly Barometer và kiêm đồng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, cho rằng, nhiều người đứng đầu ngành công nghiệp coi COVID-19, ngoài thảm họa kinh tế năm 2020, là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế mới bền vững hơn, kỹ thuật số hơn, xanh hơn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục