Doanh nghiệp Pháp: Thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội để cùng phát triển

10:19' - 16/06/2022
BNEWS Bà Diane Belle, Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế trẻ Montpelier cho rằng các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì họ thấy ở đó nhiều cơ hội để cùng phát triển.

Tại thành phố Montpellier, miền Nam nước Pháp, mới đây đã diễn ra buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến về "Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Pháp, và các dự án đầu tư của Pháp vào Việt Nam", với sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, cùng sự tham dự của đông đảo diễn giả, học giả, doanh nhân và sinh viên Pháp và Việt Nam.

Buổi tọa đàm do chương trình đào tạo "Tremplin pour le Vietnam" (tạm dịch là "Bệ phóng hướng tới Việt Nam") thuộc trường Đại học Paul Valery Montpellier phối hợp tổ chức với Phòng Kinh tế trẻ của Montpellier và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng trong gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đã có những bước phát triển tích cực, đa dạng và thực chất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... với nhiều khuôn khổ hợp tác ở tất cả các cấp: vùng, thành phố và cộng đồng, góp phần bổ sung và phát huy thế mạnh của hai bên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp hồi tháng 11/2021 của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, hai bên đã ký Tuyên bố toàn diện về phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là các hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Pháp và Việt Nam, theo các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.

Về đầu tư vào Việt Nam, Pháp là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Tuy nhiên, Pháp có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, nông sản, cơ sở hạ tầng, logistics... Đây là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, kết quả hợp tác kinh tế nêu trên tuy đáng khích lệ nhưng vẫn chưa hoàn toàn tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Đại sứ khẳng định: "Với quá trình hội nhập quốc tế và hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ, kết hợp với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và sự quyết tâm của chính phủ, tôi tin rằng trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và nước Pháp nói chung và với thành phố Montpellier nói riêng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, cả về đầu tư cũng như số lượng và chất lượng". Đại sứ đồng thời cam kết nỗ lực phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, đồng hành cùng các đối tác, trong đó có thành phố Montpellier để hợp tác phát triển bền vững, hướng tới thành công và hiệu quả của hai bên.

Nhân dịp này, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam tại Pháp và các diễn giả đã có những phần trình bày sinh động và sâu đậm, giới thiệu tổng quan kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng hợp tác song phương.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Diane Belle, Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế trẻ Montpelier cho rằng các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì họ thấy ở đó nhiều cơ hội đề cùng phát triển. Để làm được điều này, bà cho rằng hai bên cần vượt qua những rào cản như sự khác biệt về văn hóa và xã hội để hiểu nhau hơn, đồng thời không chỉ chú trọng đầu tư sản xuất, mà cần quan tâm đến cả việc phát triển các lĩnh vực khác như dịch vụ hay công nghiệp phụ trợ.

Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, bà Andreea Acxinte, đến từ Văn phòng Tư vấn đầu tư Europe PM, cho rằng EU nói chung và Pháp nói riêng cần phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam vì Việt Nam có một vị trí địa chính trị rất tốt để EU có thể tiếp cận gần hơn với châu Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là chưa kể Việt Nam có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều người giỏi ngoại ngữ, kỹ thuật và y tế. Việc tăng cường hợp tác Việt Nam - EU sẽ giúp "đôi bên đều có lợi".

Bà Acxinte chia sẻ: "Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế vì chúng ta đã có mối quan hệ chính trị và ngoại giao rất tốt. Tôi cho rằng chúng ta cần một vị thế mới cho các mối quan hệ kinh tế, để tạo thuận lợi cho đầu tư của châu Âu vào Việt Nam và cũng như tạo điều kiện cho người Việt Nam đến châu Âu, góp phần xây dựng quan hệ đối tác trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, y tế, giao thông, môi trường và nguồn nhân lực.

Trong buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp của Montpellier bày tỏ quan tâm sâu sắc tới kinh doanh tại Việt Nam, nổi bật là công ty trẻ sản xuất nước giải khát từ hoa quả nhiệt đới và tiêu thụ tại Pháp mang nhãn hiệu MAYA. Anh Hamza Qabil, Chủ tịch sáng lập công ty bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ để đăng ký công nhận dây chuyền sản xuất.

 

Theo anh, Việt Nam là nơi có nhiều hoa quả nhiệt đới mà người Pháp đặc biệt ưa thích như chanh dây, dứa, xoài, vải thiều và nước dừa. Anh cho biết các sản phẩm nước ép trái cây của MAYA được sản xuất theo phương pháp truyền thống, không đường, không phẩm màu, không chất bảo quản và làm nổi bật tay nghề thủ công của người Việt Nam.

Còn anh Quentin Aoustin, đồng sáng lập doanh nghiệp Qanopée chuyên về tư vấn sức khỏe lao động, lại thấy ở Việt Nam một thị trường năng động với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hứa hẹn tiềm năng để phát triển các ý tưởng về chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần tạo nên sức sống và năng lượng phát triển cho các doanh nghiệp và từng nhân viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục