Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, xuất khẩu

10:25' - 14/02/2025
BNEWS Nhu cầu thị trường phục hồi, đơn hàng dồi dào là động lực giúp các doanh nghiệp tập trung tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm.

Song song với thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới công nghệ, xanh hoá sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

 

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% công nhân của Công ty cổ phần quốc tế Dony - doanh nghiệp chuyên sản xuất đồng phục, đồ bảo hộ lao động tại huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh đã quay lại nhà máy làm việc. Ông Đào Phong Linh, Trưởng nhóm Kinh doanh Công ty Dony cho biết: Trước kỳ nghỉ Tết công ty đã hoàn thành một đơn hàng xuất khẩu lớn, toàn bộ công nhân đều tăng ca sản xuất đến tối muộn. Vì vậy, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, công ty tạo điều kiện để các công nhân ở xa được nghỉ Tết dài hơn. Tuy nhiên, ngay khi quay lại làm việc, toàn bộ nhân công sẽ nhanh chóng vào guồng vào sản để đảm bảo tiến độ giao hàng cho đơn hàng xuất khẩu tiếp theo.

“Từ cuối năm 2024 đến nay, nhu cầu hàng dệt may của thị trường phục hồi tốt, doanh nghiệp liên tục nhận đơn hàng sản xuất đồng phục cho các doanh nghiệp trong nước lẫn khách hàng nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng sản xuất đến giữa năm; trong đó có nhiều đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản và các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia…” ông Nguyễn Phong Linh thông tin thêm.

Trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt từ nhiều đối thủ may mặc giá rẻ, để trở thành nhà cung cấp cho các đối tác cả trong nước và nước ngoài, Dony đã xây dựng uy tín bằng chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất. Công ty cũng xác định tập trung khai thác thế mạnh của mình cho thị trường ngách là sản phẩm đồng phục, đồ bảo hộ lao động để không áp lực cạnh tranh với các đơn vị sản xuất hàng thời trang.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may đang phục hồi tốt với số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng đều. Ngay sau kỳ nghỉ dài, các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã hoạt động tối đa công suất. Phần lớn doanh nghiệp có đơn hàng hết quý I/2025, một số đã có đủ đơn hàng đến giữa năm. Dự báo, năm nay hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may tương đối thuận lợi, dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng từ 10 -15%. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều biến động, để đạt mức tăng trưởng trên 10%, doanh nghiệp phải đổi mới trong quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Năm 2025 là năm của sự đổi mới và thích nghi. Các chính sách thương mại và tài chính vi mô ở những nền kinh tế lớn sẽ định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành dệt may Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nguyên liệu bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và thiết kế để tạo ra sự đột phá về tăng trưởng mà vẫn đảm bảo tính bền vững.

Tại nhà máy của Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh, toàn bộ 400 công nhân đã quay lại làm việc và vận hành 100% công suất của các dây chuyền sản xuất đồ nhựa gia dụng. Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Hành chính – Nhân sự Công ty Đại Đồng Tiến thông tin: Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 25% sau khi đã đạt tăng trưởng 20% trong năm 2024. Ngay từ trước kỳ nghỉ Tết, công ty đã chuẩn bị đầy đủ lượng nguyên liệu nhập khẩu và chăm lo tốt nhất cho người lao động để đảm bảo ngay sau Tết các dây chuyền sản xuất có thể hoạt động với công suất cao nhất.

Hiện tại đơn hàng đồ nhựa phục vụ khách hàng doanh nghiệp sản xuất trong nước như bao bì, hộp thực phẩm đang tăng là dấu hiệu cho thấy các ngành sản xuất khác cũng khởi sắc. Bên cạnh đó, đơn hàng đồ nhựa gia dụng xuất khẩu đi châu Âu, Nam Mỹ cũng khá dồi dào. Từ cuối năm 2024, doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất liên tục đến hết quý I/2025 và hiện đang đàm phán đơn hàng cho những quý tiếp theo.

Với cơ cấu tiêu thụ hiện tại, thị trường trong nước chiếm từ 65 -70%, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Đại Đồng Tiến tích cực chuyển hướng nhằm nâng tỷ trọng xuất khẩu lên từ 40 – 45% tổng doanh thu hàng năm. Để đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước phát triển, từ nhiều năm nay doanh nghiệp này đã  thay thế thiết bị, máy móc cũ bằng dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hoá nhiều công đoạn giúp nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn lao động. Cùng một sản lượng hàng hoá, trước đây nhà máy cần đến hơn 1.000 lao động, hiện nay chỉ 400 nhân công, chủ yếu thực hiện việc lắp ráp và đóng gói sản phẩm.

“Doanh nghiệp cũng lựa chọn nguồn nguyên liệu nguyên sinh giúp sản phẩm có tuổi thọ cao, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Song song đó, nhà máy sản xuất cũng áp dụng công nghệ giám sát hiệu quả sử dụng nước, tạo ra chu trình tuần hoàn để tiết kiệm tối đa nước sạch; thay thế các thiết bị cũ sang thiết bị tiêu hao ít năng lượng. Việc chuyển đổi này không chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh - sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho đơn vị”, ông Nguyễn Thành Tài cho biết thêm.

Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Huba) nhận định, với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như điện tử, may mặc và nông sản. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và EU, với nhu cầu sản phẩm Việt Nam ngày càng tăng cao. Các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất, bất động sản công nghiệp và thương mại điện tử sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025, bao gồm lạm phát và chi phí đầu vào tăng cao. Biến động tỷ giá và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế cũng là những rủi ro lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Huba nhấn mạnh: Sự chuyển dịch cơ cấu cầu toàn cầu theo hướng ưu tiên tiêu dùng xanh đặt ra không ít thách thức cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Song đây cũng là động lực để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thực hành các tiêu chuẩn ESG đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ và khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Doanh nghiệp nào có chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường sẽ biến các thách thức thành cơ hội để tăng doanh thu và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục