Doanh nghiệp thích ứng sản xuất trong mùa dịch đã cho mức tăng trưởng khá

17:53' - 08/10/2021
BNEWS Dù trong điều kiện dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực trong việc xây dựng phương án và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và có mức tăng trưởng khá.

Những tháng vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, tất cả đều chung hoàn cảnh vừa chịu tác động của chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, vừa phải triển khai toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho lực lượng lao động.

Dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc xây dựng phương án và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết quả sản xuất 9 tháng năm 2021 cho thấy, với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp thích ứng thị trường, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) không tính dầu khí tăng 4,05%.

Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi tương đương gần 924 triệu USD; tổng diện tích đất sử dụng 282,1 ha. Hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp tiếp tục được cải thiện, ước 9 tháng các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 876 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

Toàn tỉnh có 448 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm" đến, hoặc cả 2 phướng án trên với hơn 50 nghìn lao động; trong đó các khu công nghiệp là 300 doanh nghiệp với gần 20 nghìn lao động. Trong cụm công nghiệp có 20/22 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất với tổng số 3.121 lao động.

Ông Lê Văn Tình, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh thiết bị chiếu sáng Thái Bình Dương, Cụm công nghiệp Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, công ty đã tính toán các chi phí "3 tại chỗ" là rất cao, phát sinh thêm hàng tỷ đồng. Nhưng để đáp ứng được sản xuất, công ty phải tổ chức "3 tại chỗ" và các chính sách cho người lao động phù hợp để động viên khích lệ cho người lao động làm việc tại đơn vị.

Với đặc thù của một đơn vị sử dụng nhiều lao động, việc đảm bảo an toàn, phòng dịch được Công ty TNHH San Fang, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng.

Ông Chien Chung Chih, Giám đốc hành chính - Công ty TNHH San Fang cho biết, công ty đã thực hiện 3 tại chỗ cho khoảng 750 lao động, chiếm 60% số lao động toàn doanh nghiệp.

Toàn bộ người lao động được bố trí ở lại ký túc xá với 71 phòng, mỗi phòng có diện tích từ 21 - 40 m2. Hàng ngày công ty nghiêm túc thực hiện tồ chức đưa đón người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc và ngược lại, đồng thời thực hiện tốt "5K" tại nơi ở và làm việc.

Tuy nhiên, do tình hình thực tế dịch bệnh tại khu công nghiệp còn diễn biến phức tạp, công ty kiến nghị được tiêm ngừa vaccine cho người lao động trong thời gian sớm nhất để đảm bảo duy trì tốt hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc kích hoạt sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" là một biện pháp cứng rắn để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa sản xuất, phát triển kinh tế.

Để đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện "3 tại chỗ".

"Hiện nay chúng tôi làm việc qua mail, qua zalo 24/24, không bị đứt quãng. Bên cạnh đó, tôi liên lạc với cán bộ, công chức của Ban, bất kể giờ giấc hoặc ngày nghỉ, khi tiếp nhận khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phải phản hồi và xử lý ngay để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất", ông Triết cho biết.

Tuy nhiên việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg kéo dài hơn 2 tháng đã làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như người lao động không tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vì lý do gia đình, dẫn đến lực lượng lao động giảm, việc hạn chế đi lại dẫn đến nhập nguyên vật liệu đầu vào giảm ảnh hưởng đến sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chi trả các chi phí phát sinh phòng chống dịch như xét nghiệm COVID-19 cho công nhân, mua sắm các trang thiết bị phòng dịch, thực hiện 3 tại chỗ…

Ở lĩnh vực tài chính, việc trả lãi vay ngân hàng, duy trì tiền lương ổn định cho công nhân, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao....cũng làm cho doanh nghiệp khó khăn nhiều hơn và đã có 80 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với 16.420 người lao động chọn phương án tạm ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã cung cấp đầy đủ chính sách về thuế, tín dụng và bảo hiểm xã hội đến với doanh nghiệp. Các hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đã được tỉnh công khai, doanh nghiệp tìm hiểu và lập thủ tục hồ sơ hành chính để thực hiện các chính sách đó. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát về tình hình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc áp dụng các phương án sản xuất "1 cung đường, 2 điểm đến", "3 tại chỗ", và các mô hình phù hợp khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Tổ công tác hỗ trợ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang tiến hành đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp (về nguồn lao động, nguyên vật liệu sản xuất, tài chính…); phân tích nguyên nhân, tìm các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả để giúp doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất trong điều kiện bình thương mới.

Những vấn đề nào liên quan đến Trung ương quy định mà doanh nghiệp còn gặp khó khăn thì thì tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Trung ương.

Từ khi áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn tỉnh (từ ngày 23/9), các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nhanh chóng sắp xếp, bố trí lực lượng lao động, điều kiện sản xuất để hoạt động lại.

Trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thực hiện các giải pháp vừa chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục triển khai theo lộ trình các nhiệm vụ đã được giao thực hiện trong kế hoạch năm 2021. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời đề xuất những biện pháp tháo gỡ.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đang chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vaccine tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp. Xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục