Doanh nghiệp thuỷ sản cần tuân thủ các nhóm cam kết về lao động

19:16' - 22/08/2018
BNEWS Các doanh nghiệp thủy sản cần quan tâm đến các cam kết về lao động vì các đối tác có thể giám sát, kiện và ngừng các nhượng bộ thương mại.
Lao động làm việc trong nhà máy chế biến xuất khẩu thuỷ sản. Ảnh: TTXVN

Tuân thủ các tiêu chí về lao động là một trong những yếu tố để đảm bảo phát triển ngành thủy sản bền vững.

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo Sử dụng lao động bền vững trong thời kỳ hội nhập cho doanh nghiệp thủy sản do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, chiều 22/8.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã tham gia hơn 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đó là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Hầu hết các FTA thế hệ mới đều có điều khoản về lao động và an sinh xã hội, đơn cử như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là Hiệp định có điều kiện về lao động và an sinh xã hội cao nhất hiện nay.

Cụ thể như quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc, cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Các Hiệp định cũng có nhóm các nguyên tắc về điều kiện lao động chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc, sức khỏe và an toàn lao động, nhóm các nguyên tắc định hướng như không sử dụng tiêu chuẩn lao động để bảo hộ thương mại, không miễn trừ, giảm nhẹ các quy định về quyền lao động cơ bản và điều kiện lao động, khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về các vấn đề lao động và nhóm các cam kết về tranh chấp lao động như đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền hợp pháp của các bên trong tố tụng lao động.

Theo bà Trang, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về lao động trong Hiệp định thì một quốc gia có thể bị kiện và bị ngừng nhượng bộ thương mại, không được hưởng các ưu đãi thuế quan giữa các nước đã ký kết Hiệp định.

Mặc dù ở tầm quốc gia, nhưng các doanh nghiệp thủy sản cần quan tâm đến các nhóm cam kết về lao động vì các đối tác có thể giám sát, kiện và ngừng các nhượng bộ thương mại, làm đảo lộn các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trang cũng thông tin, ở một số cam kết về vấn đề lao động, Việt Nam có những quy định cao hơn so với quy định của các đối tác trong các Hiệp định như việc quy định nghỉ thai sản lên đến 6 tháng, cao hơn nhiều so với một nước.

Việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí về lao động trong các Hiệp định không chỉ đáp ứng được yêu cầu của các đối tác mà còn tạo được uy tín để thủy sản Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường mới có yêu cầu khắt khe.

Chia sẻ về vấn đề sử dụng lao động trẻ em, ông Minoru Ogasawara, Trưởng tư vấn kỹ thuật ILO Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 152 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi khắp nơi trên thế giới tham gia lao động; trong đó có 73 triệu trẻ em làm việc trong môi trường lao động độc hại.

Tại Việt Nam, theo một thống kê thực hiện vào năm 2012, có khoảng 1,7 triệu trẻ em tham gia lao động, tỷ lệ lao động trẻ em từ 15 - 17 tuổi chiếm gần 60%, hơn 26% lao động trẻ em trong độ tuổi 12 - 14 và 15,5% trong độ tuổi 5 - 12, khoảng 50.000 trẻ em lao động trong ngành thủy sản, hơn 50% trong đó từ 15 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hiện xuất khẩu tới hơn 160 quốc gia là những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề an sinh xã hội.

Có thể nhận thấy, các doanh nghiệp thủy sản đang ở thế chủ động và đáp ứng tốt các tiêu chí lao động của pháp luật Việt Nam, các tiêu chí quy định tại các Hiệp định đã ký kết, đáp ứng được các chứng nhận bền vững hoặc các chứng nhận riêng về an sinh xã hội.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, hiện nay các tổ chức quốc tế đánh giá rất nghiêm ngặt vấn đề an sinh; trong đó có vấn đề lao động.

Để có thể chế biến và xuất khẩu thủy sản ra thị trường quốc tế, trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải trải qua sự đánh giá các tiêu chí về an sinh xã hội của 10 tổ chức quốc tế khác nhau. Do đó, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản phải nỗ lực thực hiện các cam kết an sinh xã hội và các cam kết về lao động.

Các chuyên gia khuyến nghị việc phòng ngừa lao động trẻ em cần có những chính sách ở tầm quốc gia như ban hành luật, thực hiện các chính sách điều tra chi tiết và đánh giá tác động như nguồn gốc sản phẩm có liên quan đến lao động trẻ em và tác động đến vấn đề xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục