Doanh nghiệp thủy sản với kỳ vọng tăng trưởng từ tiêu thụ phục hồi

10:58' - 18/03/2021
BNEWS Với triển vọng phục hồi sản lượng và giá bán của mảng cá tra, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ( mã VHC) được giới phân tích đánh giá có sức bật tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ quý III/2020, xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi tại thị trường Trung Quốc và Anh dù giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm do dịch COVID-19. Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, nhu cầu sẽ phục hồi mạnh sau khi nhà hàng và khách sạn tại các thị trường mục tiêu hoạt động trở lại, tăng giá bán bình quân từ 2,7 USD/kg trong năm 2020 lên từ 3- 3,2 USD/kg (từ 8,6-6,7%) trong năm 2021-2022. 

Bên cạnh đó, thị trường cá nguyên liệu trở nên sôi động hơn về cuối năm 2020 nhờ hợp đồng cá tra với các nhà máy chế biến tăng, trong khi nguồn cung cá nguyên liệu và tồn kho giảm. Theo số liệu từ Công ty chứng khoán VNDIRECT, diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 5.700 ha (giảm 15,7%) nhưng diện tích thu hoạch mới đạt 1.800 ha, mức thấp nhất trong 4 năm qua, trong khi người nuôi không có động lực mở rộng diện tích nuôi.
 
Điều này dẫn đến nguồn cung cá nguyên liệu giảm, khiến giá cá nguyên liệu tăng từ 20.762 đồng năm 2020 lên 22.008- 23.329 đồng cho năm 2021-2022. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn có thể sẽ tăng 15,9% trong năm 2021 và 17,8% cho năm 2022.

Việt Nam là quốc gia có thị phần xuất khẩu cá tra gần như tuyệt đối trên thế giới, chiếm 95% năm 2019 (theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới - ITC). Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Banglades, Myanmar hay Trung Quốc từ lâu đã bắt đầu hoạt động nuôi trồng cá tra, nhưng do đặc điểm môi trường nước, thời tiết, thịt cá tra được nuôi tại các khu vực này có đặc điểm là thịt vàng, nên khó được ưa chuộng tại các thị trường xuất khẩu và mới chỉ được tiêu dùng nội địa. 

Năm 2021, sản lượng cá tra nuôi trồng tại Việt Nam cũng được dự báo tiếp tục tăng, trong khi sản lượng và giá bán xuất khẩu phụ thuộc lớn vào sức mua của người tiêu dùng tại các kênh tiêu thụ chính.
 
Theo nhóm phân tích đến từ Công ty chứng khoán FPT (FPTS), sản lượng cá tra xuất khẩu sẽ phục hồi, nhờ nhu cầu tiêu thụ sẽ ấm dần sau thời gian dài im ắng của các kênh nhà hàng, khách sạn, khu du lịch khi tình hình dịch COVID-19 tại các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ, EU,… dần được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh với các loài cá thịt trắng thay thế trên thế giới sẽ gia tăng khi hầu hết sản lượng của cá rô phi, cá minh thái, cá hồi, cá tuyết trong năm 2021 đều được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực. Do vậy, giá bán cá tra xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó tăng mạnh. 

Phần lớn các phân tích của các chuyên gia đều cho rằng, lợi thế giá bán thấp hơn so với các sản phẩm thay thế và nỗ lực của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam khi ngày càng tập trung vào sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần đẩy mạnh giá trị xuất khẩu biến cá tra Việt Nam năm 2021.

Các chuyên gia FPTS nhìn nhận, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp với thị phần lớn trong mảng cá tra Việt Nam, với chuỗi giá trị bài bản, cung cấp sản phẩm cá tra chất lượng cao và sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Mỹ khi hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Do vậy, khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm phục hồi, Vĩnh Hoàn được kỳ vọng có sức bật mạnh mẽ. 

Còn các chuyên gia VNDIRECT cũng kỳ vọng, năm 2021 những rào cản thương mại với Trung Quốc sẽ dần được giải quyết. Sau khi vacccin được phổ biến toàn thế giới vào năm 2021, nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản, bao gồm cá tra sẽ phục hồi, sản lượng xuất khẩu ước đạt đạt 366 triệu tấn, tăng 10%. Doanh thu xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sẽ đạt 1.074,7 tỷ đồng, tăng 19,8% trong năm 2021.

Cũng theo giới phân tích, nhờ ảnh hưởng tích cực của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang EU tăng 22,3% trong năm 2020. Theo hiệp định, các sản phẩm của Vĩnh Hoàn khá thuận lợi từ việc giảm thuế khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác. 

Cụ thể, đối với cá tra tươi sống và ướp lạnh, thuế suất sẽ giảm từ 9% xuống 0% sau 3 năm. Cá tra phi lê đông lạnh sẽ giảm từ 5,5% xuống 0% sau 3 năm. Thuế đối với sản phẩm cá tra đông lạnh được loại bỏ trong 3 năm từ mức 8% hiện nay. Nhóm chuyên gia VNDIRECT hy vọng sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang EU đạt 323 triệu tấn (tăng 20%), tương đương 949 tỷ đồng (tăng 30,7%) doanh thu xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong năm 2021.
 
Bên cạnh đó, năm 2021, dây chuyền mở rộng sản xuất collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn tăng thêm 1.500 tấn thành phẩm/năm chính thức đi vào họat động, tăng 75% công suất so với năm 2020. Điều này có thể sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn, giảm chi phí sản xuất, đem lại doanh thu cao hơn từ mảng này.
 
VNDIRECT kỳ vọng, dây chuyền nâng cấp của Vĩnh Hoàn sẽ đạt 50% công suất vào năm 2021 và 80% công suất vào năm 2022. Còn các chuyên gia FPTS thì tin rằng, doanh thu mảng này đạt khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2021, tăng 60% so với năm 2020, đóng góp 15% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn.
 
Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, doanh thu đạt 7.037 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2019. Lợi nhuận gộp giảm 34,7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm 40,5% so với năm trước, đạt 704,85 tỷ đồng.
 
Lý giải nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ, Vĩnh Hoàn cho biết, do giá bán và sản lượng đều giảm, chủ yếu do các gián đoạn liên quan đến COVID-19 đối với ngành dịch vụ thực phẩm toàn cầu, làm ảnh hưởng đến doanh thu và giá bán trung bình của mặt hàng cá phi lê đông lạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục