Doanh nghiệp Trung Quốc rót vốn xây dựng công viên công nghiệp ở Oman

11:22' - 20/04/2017
BNEWS Công viên công nghiệp có diện tích 12 km2 nằm bên bờ Ấn Độ Dương tại hải cảng Duqm của Oman đã chính thực được khởi công với tổng giá trị đầu tư lên tới gần 11 tỷ USD.
Cảng Duqm của Oman vừa khởi công xây dựng công viên công nghiệp. Ảnh: Duqm port

Ngày 19/4, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng hạ tầng công viên công nghiệp ở thành phố cảng Duqm, thuộc miền Nam Oman, theo một kế hoạch phát triển trị giá 10,7 tỷ USD mà Chính phủ Oman đang kỳ vọng.

Năm 2016, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc và đại diện Chính phủ Oman đã ký kết thỏa thuận xây dựng hạ tầng công viên công nghiệp tại thành phố cảng Duqm. Công viên công nghiệp có diện tích 12 km2 nằm bên bờ Ấn Độ Dương, cách thủ đô Muscat khoảng 550 km về phía Nam.

Chủ tịch Cơ quan Quản lý Phát triển Duqm thuộc Chính phủ Oman, ông Yahya al-Jabri, cho biết, công viên công nghiệp Duqm sẽ thu hút hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2020, bao gồm 370 triệu USD kinh phí xây dựng hạ tầng công viên công nghiệp của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Oman kỳ vọng khu công nghiệp, thương mại và hậu cần này sẽ góp phần quan trọng giúp quốc gia vùng Vịnh này đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trước đó năm 2008, Chính phủ Oman đã thông báo các kế hoạch xây dựng một cảng và một xưởng đóng tàu ở Duqm để đón các tàu chở dầu cỡ lớn và có thể cạnh tranh với khu hỗn hợp thương mại và hậu cần Jebel Ali của Dubai.

Công ty Dầu mỏ Oman và Công ty Dầu mỏ Quốc tế Kuwait tuần trước đã ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá khoảng 7 tỷ USD tại Duqm. Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ có công suất 230.000 thùng/ngày.

Theo các số liệu chính thức, đầu tư của Trung Quốc vào Oman năm 2015 đã đạt gần 2 tỷ USD và trao đổi thương mại giữa hai nước ghi nhận mức 17,2 tỷ USD.

Với sản lượng khai thác dầu chỉ khoảng 1 triệu thùng/ngày, nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp tới 79% ngân sách của Oman. Cũng giống như các nước vùng Vịnh khác, Oman đã lâm vào cảnh khó khăn về ngân sách do giá dầu giảm mạnh kể từ tháng 6/2014.

Hầu hết các quốc gia trong khu vực đã áp dụng các giải pháp "thắt lưng buộc bụng" và triển khai nhiều kế hoạch để đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ vào các nguồn thu từ dầu mỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục