Doanh nghiệp tự tin hơn trong hội nhập

15:25' - 09/11/2016
BNEWS Những diễn biến, thực tiễn hoạt động, với cả mặt được cũng như hạn chế của khu vực DNNVV trong năm 2015 đã được khắc họa, đánh giá khá toàn diện tại hội thảo Điều tra, đánh giá DNNVV năm 2015
Sản xuất dây điện tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tiến Thịnh. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Những diễn biến, thực tiễn hoạt động, với cả mặt được cũng như hạn chế của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong năm 2015 đã được khắc họa, đánh giá khá toàn diện tại hội thảo Điều tra, đánh giá DNNVV năm 2015 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 9/11.

Theo CIEM, năm 2015 nói riêng và giai đoạn từ năm 2013-2015 đã ghi nhận một bước tiến bộ trong hoạt động của doanh nghiệp so với 5 năm trước; trong đó, số lượng doanh nghiệp mới thành lập gia tăng hơn, hoạt động theo hướng đa dạng và tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, có tinh thần chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 8,2%/năm trong 3 năm vừa qua, thấp hơn hẳn so với mức trung bình của giai đoạn trước; điều này cho thấy sức sống của doanh nghiệp nói chung được nâng lên một bước.

Ngoài ra, tổng số việc làm cũng tăng 5,2%, góp phần cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho người lao động và an sinh xã hội.

Theo CIEM, sở dĩ bức tranh doanh nghiệp sáng sủa hơn là do những nỗ lực liên tục, tinh thần nhất quán về chính sách hỗ trợ; nhất là sự ra đời, đi vào cuộc sống của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Từ đó, điều kiện kinh doanh được bảo đảm, xác lập sự công bằng và tương đồng với tập quán quốc tế; tạo ra niềm tin vào thị trường đối với doanh nghiệp.

Trên thực tế, vai trò, tầm quan trọng của DNNVV ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, những điểm yếu tự thân của DNNVV vẫn bộc lộ như thời gian trước.

Đó là tình trạng nhỏ bé về quy mô, mức độ ứng dụng công nghệ hiện đại thấp, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp; từ đó dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế.

Đáng lưu ý là, riêng các doanh nghiệp siêu nhỏ dường như vẫn giữ nguyên về quy mô, không “lớn” lên so với thời gian trước.

Theo Tiến sỹ Neda Trifkovic (Đại học Liên hợp quốc), một số doanh nghiệp không có hoặc không đủ tài sản thế chấp, một số khác lại mang nặng tâm lý không muốn mắc nợ, do lãi suất chưa hợp lý, sự e ngại thủ tục phức tạp…

Để đáp ứng nhu cầu về vốn, đã có 35% số doanh nghiệp thực hiện vay vốn từ nguồn phi chính thức.

Các chuyên gia cũng cho biết, các doanh nghiệp chuyên môn hóa, tập trung vào một ngành hàng thường có hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao hơn so với doanh nghiệp đa dạng hóa.

Thực tế này cũng phù hợp với định hướng phát triển theo hướng chuyên sâu, “nhất nghệ tinh” của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa để len chân vào phân khúc thị trường phù hợp nhất.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, cần phải đánh giá môi trường kinh doanh, từ đó, mới có thể nhận định chính xác, tập trung nhận diện các vấn đề tồn tại để tìm biện pháp khắc phục.

Sự cải thiện chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh là yêu cầu bắt buộc, liên tục và thực tế số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ đầu năm 2016 đến thời điểm hiện tại chính là sự kế thừa diễn biến tích cực từ năm 2015.

Đây cũng là yếu tố quyết định bức tranh doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục