Doanh nghiệp vận tải tiết kiệm tiền tỷ nhờ bỏ xe xăng, dùng xe điện

15:33' - 05/02/2024
BNEWS Chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng và sửa chữa xe điện rẻ hơn hẳn xe xăng giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền tỷ trong khi chất lượng dịch vụ nâng cao và được góp sức bảo vệ môi trường.

Đó là khoản đầu tư “1 vốn 3 lời” khiến các doanh nghiệp vận tải đang đẩy nhanh chuyển đổi sang xe điện, thậm chí không ngần ngại dừng hợp đồng mua xe xăng để chuyển hướng.

 

“Khách hàng phản hồi rất tích cực với xe điện”

Taxi MaiLove là cái tên đình đám tại Nghệ An, đồng thời là là hãng vận tải mới nhất trong danh sách dài các đơn vị thuê, mua ô tô điện từ Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM.

Trả lời báo chí mới đây, ông Hồ Chương, Tổng giám đốc Sơn Nam tiết lộ, trước đó, công ty ông đã ký hợp đồng mua dàn xe Toyota Vios mới. Tuy nhiên, sau đó, Sơn Nam đã quyết định dừng thương vụ trên để chuyển hướng sang xe điện VinFast. Lý do, theo ông Hồ Chương, bởi công ty muốn góp phần vào định hướng phát triển phương tiện giao thông công cộng xanh – sạch của đất nước. Đó cũng là cách để doanh nghiệp như Sơn Nam thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Sơn Nam là 1 trong 27 hãng xe, doanh nghiệp vận tải đã bắt tay chuyển đổi sang xe điện cùng VinFast và GSM. Trước Sơn Nam là nhiều tên tuổi như Be Group, Ahamove, LADO, Én Vàng, Bạn Uống Tôi Lái, Bách Đại Dũng, ASV, Xanh Sapa v.v… Rất nhiều doanh nghiệp trong số trên cùng có chung đánh giá, việc chuyển đổi đã giúp các đơn vị nâng cao khả năng cạnh tranh về mọi mặt, đặc biệt là chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng.

Theo ông Lê Thái Khắc Thành, Phó Tổng Giám đốc Ecogo, sau một thời gian sử dụng xe điện VinFast cho dịch vụ taxi, công ty đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Ông Thành cho biết, hầu hết khách hàng đánh giá cao trải nghiệm lái xe của xe điện, đặc biệt là khả năng tăng tốc nhanh chóng, mượt mà và yên tĩnh. Nhiều khách hàng cũng chia sẻ cảm nhận thoải mái và thư giãn trên xe điện.

“Khách hàng cũng đánh giá cao tính thân thiện với môi trường của xe điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và khí thải nhà kính”, ông Thành bày tỏ sự hài lòng về quyết định chuyển đổi sang phương tiện điện của đơn vị mình.

Ra mắt taxi điện tại Hải Phòng từ tháng 4/2023, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Én Vàng Quốc Tế thừa nhận, khách hàng không chỉ đánh giá cao sự hiện đại và thân thiện với môi trường của xe, mà còn về trải nghiệm êm ái, mát mẻ của xe điện. Ông Định kể câu chuyện về một hành khách đã sử dụng dịch vụ của hãng trong 10 năm. Kể từ khi bắt tay với GSM để mở rộng sang dịch vụ taxi điện, khách hàng này rất thích thú và đã đặt riêng xe điện để đưa đón các cháu đi học. Vị khách này cũng đã chia sẻ lên mạng xã hội về trải nghiệm và ý thức bảo vệ môi trường từ những chiếc taxi điện. “Điều này là nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, hướng tới một tương lai sạch sẽ và thân thiện với môi trường qua dịch vụ taxi xe điện”, ông Định nói.

Chi phí rẻ, độ bền cao: Xe điện giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền tỷ

Xe điện không chỉ giúp các doanh nghiệp vận tải cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn là bài toán kinh tế tối ưu. Ông Lê Thái Khắc Thành, Phó Tổng Giám đốc Ecogo tính toán, chi phí năng lượng cho 100.000 km di chuyển của mẫu VF e34 chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí của xe xăng Honda City. Như vậy, theo ông Thành, công ty đã tiết kiệm được khoảng 2,5 tỷ đồng chi phí nhiên liệu trong vòng 5 năm (tính theo giá xăng hiện tại).

Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa với xe điện cũng là khoản tiết kiệm đáng kể. Ông Thành lý giải, xe điện có ít bộ phận cần bảo dưỡng hơn xe xăng, không cần thay dầu động cơ, bộ lọc dầu, lọc gió, bugi... Ngoài ra, xe điện không có động cơ đốt trong nên ít xảy ra các sự cố như hỏng hóc động cơ, hộp số... Nhờ đó, xe có độ bền cao, chi phí sửa chữa thấp hơn nhiều so với xe chạy xăng, dầu. Riêng khoản này, ông Thành ước tính, công ty sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa trong vòng 5 năm.

“Tổng cộng, việc sử dụng xe điện giúp công ty tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Đây là một con số đáng kể, góp phần giảm thiểu chi phí vận hành của công ty và mang lại lợi nhuận cao hơn”, ông Thành tổng kết.

Ngay cả với người lao động, ông Thành cho rằng, xe điện với thế mạnh về sự êm ái, không gây tiếng ồn, khói bụi sẽ là môi trường làm việc tốt hơn cho các tài xế, giúp mọi người giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Ở góc độ khác, Ông Trần Nhật Trường, Tổng Giám đốc Bạn uống tôi lái (BUTL) – đơn vị ký hợp đồng thuê 5.000 xe máy điện VinFast cho vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ, giao hàng, đồ ăn bổ sung thêm, việc sử dụng xe điện giúp tạo sự khác biệt và niềm tin từ khách hàng. Trong điều kiện một số quốc gia và khu vực đang khuyến khích sử dụng xe điện, việc chuyển đổi sang xe xanh theo ông Trường có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới và mở rộng kinh doanh trong tương lai. Bởi thế, đại điện đơn vị này cũng tiết lộ, BUTL dự tính sẽ mở rộng hệ thống xe sang phương tiện thuần điện trong tương lai gần.

Cùng quan điểm, đại diện Ecogo khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống xe điện mới để thay thế cho các xe cũ đang sử dụng, thậm chí công ty sẽ khuyến khích nhân viên cùng sử dụng xe điện để bảo môi trường. Én Vàng Taxi cũng cho biết đã lên kế hoạch chuyển đổi cho từng giai đoạn và tới năm 2025, 50% số phương tiện của hãng sẽ là xe điện.

Ở tầm vóc rộng hơn, ông Trường cho rằng, xu hướng chuyển đổi sang các phương tiện xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam, vị này đặt nhiều kỳ vọng với các doanh nghiệp tiên phong như VinFast hay GSM. “Bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tiên phong, VinFast, GSM và các doanh nghiệp khác có thể định hình và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện, đóng góp tích cực vào mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm khí thải carbon”, ông Trường khẳng định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục