Thị trường xe máy cận Tết: Đồng loạt giảm giá, sức mua vẫn yếu

17:59' - 01/02/2024
BNEWS Thị trường xe máy Việt Nam cận Tết đang chứng kiến một điều khác lạ là thay vì tăng giá như thường lệ, các đại lý đồng loạt giảm giá để kích cầu, nhưng sức mua giảm.

Dự báo cho năm 2024, các chuyên gia cho rằng, với khó khăn chung của nền kinh tế, dự kiến doanh số bán xe máy có thể bằng hoặc tiếp tục giảm so với năm 2023.

Doanh nghiệp tung chiêu để kích cầu

Trước tình hình giảm sút doanh số ở năm 2023, bước sang năm 2024, đặc biệt là tháng cận Tết, để kích cầu tiêu dùng, không chỉ các đại lý, mà các nhà sản xuất xe máy cũng đang tận dụng những chiến lược giảm giá để kích thích người mua.

Không chỉ các hãng tạo ra sự cạnh tranh về giá mà đại lý xe chủ động giảm dao động từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng, tùy thuộc vào mẫu xe để giảm lượng xe tồn kho, xe lưu kho bãi.

 

Khảo sát một đại lý Honda trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mẫu xe tay ga Vision bán chạy nhất của Honda Việt Nam đã giảm giá đáng kể ở tất cả các phiên bản. Cụ thể, Honda Vision bản tiêu chuẩn đang chào bán ở mức gần 31 triệu đồng, Honda Vision cao cấp 33 triệu đồng, Honda Vision đặc biệt 35 triệu đồng, Honda Vision bản thể thao 37 triệu đồng. So với tháng  trước, giá xe Vision tại các đại lý đã giảm từ 2,5-3,5 triệu đồng.

Ở mẫu xe côn tay, Honda Winner X bản tiêu chuẩn đang có mức giảm trung bình 15-17 triệu đồng, đưa giá bán thực tế về 29-31 triệu đồng. Hai phiên bản còn lại gồm bản đặc biệt và thể thao ABS cùng có giá bán 37 triệu đồng (thấp hơn giá đề xuất lần lượt là 13,06 triệu đồng và 13,56 triệu đồng).

>>Honda hỗ trợ trả góp với lãi suất 0% cho khách mua xe Wave Alpha và Vision

>>Yamaha Việt Nam chi hơn 4,860 tỷ đồng khuyến mại cho khách mua xe

Tương tự, giá bán xe Grande bản đặc biệt và giới hạn ở một số đại lý Yamaha cũng đang thấp hơn giá bán đề xuất 2 triệu đồng, chỉ còn ở mức 47 và 47,5 triệu đồng; Janus có giá dao động từ 28,7-33 triệu đồng, thấp hơn tháng trước từ 200.000 đến 400.000 đồng, tùy theo đại lý...

Mặc dù nhà sản xuất tung ra nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu mùa mua sắm cao điểm trong năm và đại lý cũng chủ động điều chỉnh giá bán xe để quay vòng đồng vốn, nhưng nhân viên đại lý Honda Vũ Hoàng Lê ở Hà Nội cùng nhiều đại lý khác chia sẻ lượng khách đến không tăng như những năm trước đại dịch.

Theo nhân viên Honda Kường Ngân ở Hà Nội, từ khó khăn chung của nền kinh tế sau đại dịch, người dân thắt chặt chi tiêu hơn nên tình hình kinh doanh 3 năm nay, năm sau khó khăn hơn năm trước, nên không còn cảnh tấp nập mua bán, lắp xe cho khách như những năm trước đại dịch. Đây là tình trạng chung hiện nay tại các đại lý trong bối cảnh nguồn cung xe lớn hơn cầu.

Số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng cho thấy, năm 2023 đánh dấu một sự suy giảm đáng kể với tổng doanh số bán hàng của 5 đơn vị thành viên (gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha Motor Việt Nam) đạt 2.516.212 xe, giảm 16,21% so với năm trước.

Trong tổng doanh số này, riêng Honda Việt Nam tiêu thụ đến 2.088.557 xe, giảm 13,3% so với năm 2022. Tuy nhiên, Honda Việt Nam vẫn chiếm đến 83% thị phần xe máy (tính trong VAMM) và tăng 2,8% thị phần so với năm 2022.

Doanh số năm 2024 có thể bằng hoặc tiếp tục giảm

Dự báo cho năm 2024, các chuyên gia trong ngành cho rằng, với khó khăn chung của nền kinh tế, người tiêu dùng có thể trì hoãn quyết định mua xe mới do thận trọng trong chi tiêu hơn, dự kiến doanh số bán xe máy trong năm 2024 có thể bằng hoặc tiếp tục giảm so với năm 2023. Do đó, các hãng xe sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá và liên tục cải tiến, tung ra các mẫu xe mới để thu hút người mua.

Đặc biệt, sự cạnh tranh giữa các nhãn hiệu và giữa xe máy xăng và xe máy điện, các hãng xe sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá và liên tục cải tiến, tung ra các mẫu xe mới với giá thành hợp lý để thu hút người mua.

Sự cạnh tranh này sẽ làm cho các doanh nghiệp phải tìm cách giảm giá và tạo ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Các hãng xe có thể tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, giảm giá và ưu đãi trả góp để kích thích nhu cầu mua sắm. Cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố quyết định để giữ chân khách hàng trong bối cảnh sức mua của thị trường đang giảm sút.

Đánh giá về thị trường xe máy Việt Nam giảm sút như trên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, các hãng xe không có nhiều mẫu xe hoàn toàn mới hoặc mẫu xe mang tính đột phá, phần lớn chỉ là những bản nâng cấp, cải tiến giữa vòng đời nên chưa thu hút được người tiêu dùng.

Thêm vào đó, bên cạnh việc thị trường xe máy Việt Nam đã và đang ở thời kỳ bão hòa, thì tình hình kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn sau đại dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn.

Đặc biệt, trong xu hướng điện hóa, người tiêu dùng đã và đang chuyển đổi từ xe xăng sang xe máy điện, nhất là khi có nhiều mẫu xe điện mới, sạc pin nhanh, phạm vi di chuyển xa hơn và có giá bán phù hợp với nhu cầu đô thị hàng ngày. Điều này đang thay đổi đáng kể trong cuộc đua thị phần giữa xe máy xăng và xe máy điện, ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường của xe máy truyền thống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục