Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội như thế nào từ EVFTA?

17:11' - 16/07/2019
BNEWS Trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động và tranh thủ lợi thế nhằm tiến nhanh và xa hơn, đặc biệt phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay.
Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Sáng 16/7, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – LBC tổ chức Hội thảo “Từ thương mại Mỹ - Trung đến EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?”.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể ảnh hưởng tới Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam) vừa mở ra cơ hội, nhưng kèm theo đó là những thách thức.

Khi Hiệp định này có hiệu lực, dự báo sẽ giúp GDP tăng lên và mang lại nhiều lợi thế cho những ngành có thế mạnh của Việt Nam.

Trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động và tranh thủ lợi thế nhằm tiến nhanh và xa hơn, đặc biệt phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, từ trước đến nay, tái cơ cấu kinh tế thường được cho là cải cách về ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước…

Tuy nhiên, trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho thấy cải cách nền kinh tế cần hướng đến vấn đề then chốt là làm gì để không phụ thuộc nhiều vào bên ngoài và phải dựa nhiều hơn vào nội lực bên trong.

Chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phải có sự đồng thuận và hậu thuẫn của cộng đồng doanh nghiệp trong nước - lực lượng tiên phong nuôi dưỡng sức cầu trong nước và củng cố năng lực về sức cung; trong đó Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để tái cơ cấu sức cầu trong nước và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Nestor Sherbey, Chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GTFA), đối với mặt hàng nông thủy sản, rau củ, quả… chủ yếu có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam.

Ngược lại, những sản phẩm thiết bị cơ khí, điện – điện tử… được cấu thành từ nhiều linh kiện khác nhau nên cần chứng minh, công khai trong hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Hải quan Mỹ không chỉ xem xét chứng nhận của Việt Nam mà cơ quan này có phương pháp kiểm tra, giám sát riêng nên đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch hồ sơ xuất nhập khẩu.

Nếu Hải quan Mỹ và cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ đưa vào "danh sách đen", doanh nghiệp cũng khó xuất nhập khẩu hàng hóa sang những thị trường khác.

Liên quan đến EVFTA, bà Magdalena Krakowiak, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đơn cử trong ngành dệt may có thể kể đến vấn đề thúc đẩy nâng cấp chuỗi cung ứng nhằm được công nhận nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam.

Trong đó, từ khâu vải đến các giai đoạn khâu, may, cắt… đòi hỏi phải ở Việt Nam nên doanh nghiệp cần giải quyết những vấn đề này, nếu muốn công nhận sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam để khai thác hiệu quả lợi ích từ EVFTA.

Ngoài ra, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên vật liệu từ những quốc gia có FTA với Việt Nam hoặc EU mới được thị trường EU công nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang chuyển sang cuộc chiến công nghệ và nếu như năm 2018, cuộc chiến thương mại chưa có sự tác động đáng kể thì từ đầu năm 2019 đến nay đã thấy rõ những tác động đến nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia.

Dự báo đến năm 2020, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và EVFTA sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa đối với thị trường thương mại toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục