Doanh thu bán lẻ tăng mạnh tạo thêm kỳ vọng vào triển vọng kinh tế Mỹ quý II/2018

19:24' - 17/07/2018
BNEWS Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 16/7 cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này đã tăng với tốc độ khá ổn định trong tháng 6/2018, bất chấp giá cao hơn và mức tăng lương khiêm tốn.

Đây là một dấu hiệu cho thấy sự lạc quan của người tiêu dùng cũng như triển vọng sáng hơn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2018 của Mỹ. 

Theo đó, báo cáo cho biết doanh số bán lẻ tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tại Mỹ ghi nhận mức tăng 0,5% trong tháng Sáu, sau khi đã tăng mạnh 1,3% hồi tháng Năm trước đó (số liệu đã được điều chỉnh so với ước tính ban đầu là 0,8%). So với cùng kỳ năm 2017, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 6,6% - mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Người dân Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng nền kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất trong gần 18 năm và kinh tế Mỹ đang lấy lại đà tăng tốc sau một giai đoạn tăng trưởng chậm chạp hồi đầu năm.

Ngoài những số liệu khá tươi sáng về doanh số bán lẻ, việc thâm hụt thương mại của Mỹ suy giảm mạnh mẽ trong tháng Tư và tháng Năm cũng củng cố cho triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Với hoạt động chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng, hầu hết các nhà kinh tế tin rằng kinh tế Mỹ trong quý II sẽ có thể tăng 4 - 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng bốn năm qua, sau khi kinh tế Mỹ chỉ ghi nhận mức tăng 2% trong ba tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phải đối mặt với rủi ro từ những căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, khi Mỹ vẫn đang chưa giải quyết được những tranh chấp với các đối tác thương mại chủ chốt của mình, bao gồm Trung Quốc, Canada và Liên minh châu Âu (EU).

Một số nguy cơ khác có thể sẽ tác động tới nền kinh tế Mỹ, trong đó có giá khí đốt và ô tô tăng cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn đã đẩy lạm phát của nước này lên mức cao nhất trong vòng sáu năm.

Điều này gần như "bù trừ" cho việc tiền lương tại Mỹ tăng khá khiêm tốn, qua đó khiến tiền lương của người lao động Mỹ gần như không đổi trong vòng 12 tháng qua sau khi đã điều chỉnh theo biến động giá cả.

Ngoài ra, sức mua của người dân Mỹ cũng có thể suy giảm trầm trọng hơn nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm thực hiện lời đe dọa áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có nhiều hàng tiêu dùng hơn so với đợt áp thuế đầu tiên trị giá 34 tỷ USD.

Ngoài ra, Washington cũng áp thuế lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ EU, Canada, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục